Xuất khẩu nông lâm thủy sản 9 tháng đạt 46,28 tỷ USD 

(Chinhphu.vn) - Đến thời điểm này, hầu hết các nhóm hàng đều tăng, nên kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng và đạt 46,28 tỷ USD, tăng 21%.
Xuất khẩu nông lâm thủy sản 9 tháng đạt 46,28 tỷ USD- Ảnh 1.
 

Trong 9 tháng, xuất khẩu rau quả 5,87 tỷ USD, tăng 39,4%

Bộ NN&PTNT cho biết, 9 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 46,28 tỷ USD, tăng 21%; nhập khẩu 32,42 tỷ USD, tăng 7,5%. Giá trị xuất siêu nông lâm thủy sản đạt 13,86 tỷ USD, tăng 71,2%.

Trong tháng 9, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 5,85 tỷ USD, tăng 31% so với tháng 9/2023; trong đó, xuất khẩu nông sản chính 3,41 tỷ USD (tăng 50,9%), lâm sản 1,33 tỷ USD (tăng 11%), thủy sản 920 triệu USD (tăng 13,4%), chăn nuôi 46,1 triệu USD (tăng 19,1%).

Tính chung 9 tháng, hầu hết các nhóm hàng đều tăng, nên kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng và đạt 46,28 tỷ USD, tăng 21%. Đóng góp vào kết quả này có: nông sản 24,85 tỷ USD, tăng 27,7%; lâm sản 12,46 tỷ USD, tăng 20,3%; thủy sản 7,23 tỷ USD, tăng 9,5%; chăn nuôi 376 triệu USD, tăng 3,8%...

Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của ngành đều cao hơn cùng kỳ năm ngoái như: gỗ và sản phẩm gỗ 11,66 tỷ USD, tăng 21,3%; cà phê 4,37 tỷ USD, tăng 39,6% trong khi lượng xuất khẩu giảm 10,5%; gạo 4,37 tỷ USD, tăng 23,5% với lượng 7,01 triệu tấn, tăng 9,2%; hạt điều 3,17 tỷ USD, tăng 22,5%; rau quả 5,87 tỷ USD, tăng 39,4%; tôm 2,79 tỷ USD, tăng 10,5%; cá tra 1,36 tỷ USD, tăng 7,8%; hạt tiêu 1 tỷ USD, tăng 46,9%.

Giá xuất khẩu bình quân của cà phê tăng cao nhất, với 56% và đạt 3.897 USD/tấn; đứng thứ hai là hạt tiêu tăng 49,2% và đạt 4.941 USD/tấn; tiếp đến là cao su tăng 19%, gạo tăng 13,1%...

Giá trị xuất khẩu vào các thị trường đều tăng như: châu Á tăng 17,4%; châu Mỹ tăng 26,1%; châu Âu tăng 34,6%; châu Đại Dương tăng 16,1%; riêng châu Phi giảm 0,3%. Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất; trong đó Mỹ chiếm tỷ trọng cao nhất với mức 21,6%; tiếp đến là Trung Quốc chiếm 20,8% và Nhật Bản chiếm 6,6%.

Trong nước, mặc dù có biến động tăng ở một số mặt hàng tuy nhiên vẫn giữ ở mức ổn định. Giá lúa gạo, rau màu tại một số địa phương biến động tăng cục bộ do ảnh hưởng của cơn bão số 3; giá lợn hơi có xu hướng tăng vào cuối tháng 9 ở cả 3 miền; giá cá tra tăng nhẹ (từ 150 đồng - 300 đồng/kg); giá tôm thẻ giữ ở mức ổn định so với tháng trước, duy trì ở mức 83.000 đồng/kg.

Để thúc đẩy xuất khẩu, các địa phương đã thiết lập và cấp 7.639 mã số vùng trồng tại 56 tỉnh và 1.557 mã số cơ sở đóng gói được phép xuất khẩu sang các thị trường: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU… Điều này cũng góp phần định hướng sản xuất theo nhu cầu của thị trường, nâng cao uy tín của nông sản Việt Nam.

Bộ NN&PTNT cho biết, các đơn vị chức năng tiếp tục phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt là xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản; triển khai các Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang các thị trường: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU…

Đỗ Hương

96 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 469
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 469
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88611127