Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 8 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 33 tỷ USD 

(Chinhphu.vn) - Bộ NN&PTNT cho biết, tám tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông, lâm, thủy sản (NLTS) ước đạt 59,69 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu 33,21 tỷ USD, nhập khẩu 26,48 tỷ USD, xuất siêu 6,72 tỷ USD.
Xuất khẩu nông sản 8 tháng đạt 33,21 tỷ USD - Ảnh 1.

Giá thóc gạo tiếp tục tăng theo xu hướng thị trường - Ảnh minh họa

Về xuất khẩu (XK), tháng 8 XK ước đạt 4,36 tỷ USD, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, nhóm nông sản 2,16 tỷ USD, tăng 11,5%; chăn nuôi 50 triệu USD, tăng 24%; thủy sản 750 triệu USD, giảm 24%; lâm sản 1,19 tỷ USD, giảm 21,5%; đầu vào sản xuất 207 triệu USD, tăng 13,3%.

Tám tháng đầu năm, do giá trị XK của nhiều mặt hàng xuất khẩu chính giảm so với cùng kỳ năm trước, nên tổng kim ngạch XK ước đạt 33,21 tỷ USD, giảm 9,5%. Trong đó, nhóm thuỷ sản 5,68 tỷ USD, giảm 25,4%; lâm sản 8,95 tỷ USD, giảm 25,1%; đầu vào sản xuất 1,32 tỷ USD, giảm 21,9%. Một số nhóm mặt hàng có giá trị XK tăng như: Nông sản 16,9 tỷ USD, tăng 11,5 % (đóng góp bởi giá trị XK nhóm hàng rau quả 3,45 tỷ USD, tăng 57,5%; gạo 3,17 tỷ USD, tăng 36,1%; hạt điều 2,23 tỷ USD, tăng 8,9%; cà phê 2,94 tỷ USD, tăng 2,3%); sản phẩm chăn nuôi 325 triệu USD, tăng 26,1%.

Về thị trường, 8 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông lâm thủy sản nước ta. Giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 21,9%, tăng 9,8%; Mỹ chiếm 20,6%, giảm 27,4%; và Nhật Bản chiếm 7,6%, giảm 10,6%.

Về giá cả, tháng 8, nhìn chung không có biến động bất thường, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu được bảo đảm. Riêng giá thóc, gạo tiếp tục xu hướng tăng do tác động của thị trường thế giới khiến nhu cầu tăng cao, trung bình tăng 200 - 800 đồng/kg. Giá lợn hơi có xu hướng giảm nhẹ trong tháng, trung bình giảm 1.000 - 2.000 đồng/kg. Giá thu mua tôm nguyên liệu tiếp tục ở mức thấp và có xu hướng giảm, khoảng 10.000 đồng/kg… Tuy nhiên, giá trái cây tại một số tỉnh phía Nam có xu hướng tăng do nguồn cung giảm khi qua giai đoạn chính vụ.

Bộ NN&PTNT đánh giá, sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản 8 tháng đầu năm 2023 cơ bản ổn định, gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm; an toàn thực phẩm, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đã quyết liệt tháo gỡ vướng mắc, mở cửa thị trường cho nông sản Việt, ngay cả đối với các thị trường khó tính; thúc đẩy ký kết các đơn hàng mới; phối hợp đẩy mạnh đàm phán để đa dạng hóa hàng nông sản được xuất khẩu chính ngạch sang nhiều thị trường.

Hình thành, mở rộng, phát triển nhiều mô hình sản xuất nông lâm thủy sản theo chuỗi giá trị ngành hàng, tích hợp đa giá trị. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hợp tác xã nông nghiệp; nhiều trang trại, hộ kinh doanh chuyển đổi thành lập doanh nghiệp mới có quy mô và hiệu quả cao hơn; 37% sản lượng nông lâm thủy sản được sản xuất và tiêu thụ theo các hình thức liên kết chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Số xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới tăng, sản phẩm đạt chuẩn OCOP chất lượng cao tiếp tục tăng.

Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 8 tháng đầu năm vẫn giảm 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái do các tháng đầu năm mức giảm sâu.

Công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, nhất là ở khâu bảo quản và chế biến sâu, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển mạnh.

Hợp tác xã còn khó khăn trong quản trị minh bạch hoạt động sản xuất, kinh doanh; chưa phát huy tốt vai trò kết nối giữa hộ nông dân và doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp tham gia vào các hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ít về số lượng, quy mô nhỏ; duy trì và phát triển bền vững các liên kết chuỗi giá trị còn hạn chế.

Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình giá cả, nguồn cung các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, báo cáo Tổ điều hành Thị trường trong nước và Ban Chỉ đạo giá của Chính phủ. Phối hợp với các địa phương hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông sản vào vụ thu hoạch.

Đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU, liên minh kinh tế Á - Âu... Tận dụng các FTAs, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới. Phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.

Đỗ Hương

  •  
243 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 747
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 747
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87199198