Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trong 10 tháng năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 130.640 lao động (41.039 lao động nữ), đạt 104 % kế hoạch năm 2024.
Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc tiếp tục là 3 thị trường tiếp nhận số lượng lớn lao động Việt Nam sang làm việc.
Cụ thể, trong 10 tháng, Nhật Bản tiếp tục là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất, với hơn 62.700 lao động, tiếp theo là Đài Loan (Trung Quốc) hơn 48.500 lao động, Hàn Quốc hơn 10.800 người, Trung Quốc 1.920 lao động, Singapore hơn 1.770 lao động, Romania hơn 820 lao động và các thị trường khác.
|
Ảnh minh họa |
Năm 2024, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu đưa 125.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường ổn định, có thu nhập cao như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Đức...
Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ đã tập trung nâng cao chất lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Cùng với đó, tiếp tục ổn định, duy trì các thị trường hiện có và sẽ phát triển, mở rộng thị trường có thu nhập cao, phù hợp với trình độ, kỹ năng của người lao động Việt Nam.
Hiện nay, lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài trong nhiều loại hình, ngành nghề, công việc như: Sản xuất chế tạo (cơ khí, dệt may, giày da, lắp ráp điện tử...), xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp (đánh bắt và nuôi trồng thủy sản) và dịch vụ (chăm sóc người cao tuổi, người bệnh, giúp việc trong gia đình). Điều kiện làm việc và sinh hoạt tốt, chế độ phúc lợi bảo đảm.
Theo thống kê, hiện hơn 650.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, gửi về khoảng 3,5 đến 4 tỷ USD kiều hối mỗi năm. Lao động làm việc tại Hàn Quốc có thu nhập cao nhất, từ 1.500 đến 2.000 USD; tiếp theo là Nhật Bản 1.200 đến 1.500 USD; Đài Loan từ 800 đến 1.200 USD. Thị trường Trung Đông và Malaysia ghi nhận mức lương thấp hơn, dao động 600 đến 1.000 USD đối với lao động có tay nghề và 400 đến 600 USD với lao động phổ thông./.
Minh Thư