Xuất khẩu lâm sản tăng trưởng trên 16% 

(Chinhphu.vn) – Tổng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết giá trị xuất khẩu lâm sản chính 10 tháng đầu năm 2018 ước đạt 7,612 tỷ USD, tăng 16,12% so với cùng kỳ năm 2017.

 

Chăm sóc giống cây lâm nghiệp đang được quan tâm để nâng cao chất lượng rừng - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Như vậy đến nay ngành lâm nghiệp đã đạt 84% kế hoạch xuất khẩu trong năm 2018. Giá trị xuất khẩu của ngành lâm nghiệp chiếm 23,37% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành, trong đó: gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 7,23 tỷ USD, tăng 16,12%. Giá trị xuất siêu của lâm sản chính 10 tháng ước đạt 5,72 tỷ USD. 

Thị trường xuất khẩu chủ yếu là các quốc gia: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU, chiếm khoảng 87 % kim ngạch xuất khẩu. Trong 9 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu tại các thị trường chính này đều có tăng trưởng tốt so với cùng kỳ 2017. 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, thay vì phải phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu thì hiện nay, lượng gỗ rừng trồng khai thác trong nước đạt 25 triệu mét khối, đáp ứng đến 75% nhu cầu, điều này giúp các doanh nghiệp chủ động nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, trong khi đời sống của người trồng rừng cũng được cải thiện.

Dù vậy, những hạn chế của ngành gỗ vẫn đang khiến nhiều tiềm năng đang bị lãng phí. Đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam thừa nhận một thực tế, tình trạng xuất khẩu nguyên liệu sản phẩm thô vẫn còn nhiều. Đó là chưa kể tình trạng bán “rừng non” vẫn phổ biến do người trồng rừng chưa có đủ tiềm lực kinh tế. Theo các chuyên gia về rừng, độ tuổi đẹp nhất để khai thác là khi rừng được 10 năm tuổi, nhưng phần lớn người trồng rừng ở Việt Nam khai thác khi cây mới được 5 – 6 tuổi khiến giá trị kinh tế giảm đi nhiều lần. Chính vì vậy, để đảm bảo phát triển rừng bền vững, việc liên kết với các doanh nghiệp là một đòi hỏi tất yếu. 

Thời điểm tốt nhất để khai thác là khi rừng được 10 năm tuổi - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

 

Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) là hiệp định thương mại có tính chất ràng buộc về mặt pháp lý nhằm mục tiêu cải thiện quản trị rừng và thúc đẩy thương mại gỗ hợp pháp từ Việt Nam sang EU. Theo VPA, Việt Nam sẽ xây dựng hệ thống đảm bảo tính hợp pháp của gỗ để xác minh gỗ xuất khẩu là gỗ hợp pháp, và EU chỉ chấp nhận gỗ hợp pháp được cấp phép FLEGT nhập khẩu vào EU khi VPA được ký kết và hệ thống cấp phép đi vào vận hành.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, bên cạnh những lợi ích về mặt môi trường, kinh tế và xã hội gắn với việc quản lý ngành lâm nghiệp Việt Nam tốt hơn, cơ chế cấp phép FLEGT sẽ đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của quy chế gỗ của EU, ngăn chặn việc đưa gỗ bất hợp pháp vào thị trường EU. Cho đến khi bắt đầu cấp phép FLEGT, gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu từ Việt Nam và thị trường EU vẫn phải tuân thủ các yêu cầu của quy chế gỗ của EU. Điều này có nghĩa các nhà nhập khẩu của EU sẽ phải thực hiện trách nhiệm giải trình để đảm bảo rủi ro về sản phẩm bất hợp pháp từ Việt Nam vào thị trường liên minh là không đáng kể.

Theo các chuyên gia đánh giá, với VPA/FLEGT, cơ hội để sản phẩm gỗ của Việt Nam vào EU và nhiều thị trường khó tính khác sẽ còn rộng mở. 

Đỗ Hương

360 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 522
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 522
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87214190