Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), trong cả năm 2020, ngành Lâm nghiệp đã phấn đấu nỗ lực đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó có thể kể đến, diện tích rừng trồng năm 2020 đạt 220.000 ha. Đồng thời, trồng cây phân tán 72,5 triệu cây các loại; chăm sóc 540.000 ha rừng trồng, khoanh nuôi tái sinh 210.000 ha.
Về công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, cả nước đã xảy ra 9.637 vụ vi phạm các quy định của Luật Lâm nghiệp, giảm 402 vụ (tương đương 4%) so với năm 2019. Về cháy rừng, đã xảy ra 179 vụ, giảm 92 vụ (giảm 35%) so với năm 2019. Diện tích rừng bị thiệt hại 1.469 ha (trong đó thiệt hại do cháy rừng 645 ha, phá rừng 824 ha) giảm 1.191 ha (tương ứng giảm 45%) so với năm 2019.
|
Giá trị xuất khẩu lâm sản năm 2020 đạt khoảng 13 tỷ USD (Ảnh minh họa: QH) |
Trong năm 2020 ghi nhận khai thác gỗ đạt 30 triệu m3, đáp ứng cho 75% nhu cầu nguyên liệu cho chế biến. Đồng thời, về chế biến lâm sản, đã xây dựng Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ bền vững theo Kế hoạch số 1717/BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; duy trì việc trao đổi thông tin với các hiệp hội, doanh nghiệp để nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong xuất khẩu lâm sản, đặc biệt là tình hình gian lận thương mại, xuất xứ sản phẩm đề xuất giải pháp xử lý, phấn đấu hoàn thành kế hoạch về chỉ tiêu xuất khẩu lâm sản.
Nổi bật lên trong năm 2020, trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá trị xuất khẩu lâm sản vẫn đạt khoảng 13 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2019. Thực hiện song song phát triển thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu, trong đó, thế mạnh là thị trường xuất khẩu, hiện tại, Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á, thứ 2 Châu Á và thứ 5 thế giới về xuất khẩu lâm sản. Gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có mặt tại trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Bên cạnh đó, về phát triển kinh tế hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm đã có nhiều bước phát triển. Tại tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đã thành lập Hiệp hội chủ rừng có chứng chỉ rừng. Đây là các mô hình đầu tiên của cả nước, đang phát huy hiệu quả trong việc trồng, quản lý rừng theo tiêu chuẩn quốc tế, cung cấp gỗ có chứng chỉ rừng, tăng lợi nhuận cho người trồng rừng và doanh nghiệp chế biến. Đi cùng với đó, đến nay đã có 3 tỉnh triển khai thực hiện xây dựng mô hình liên kết trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ rừng giữa người trồng rừng với doanh nghiệp như tỉnh: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang.
Các địa phương đã chú trọng phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, thu hút đầu tư chế biến gỗ, hình thành nhiều trung tâm chế biến có quy mô và trình độ công nghệ cao như các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh; tại khu vực phía Bắc (như Hà Nội, Tuyên Quang, Nam Định...). Nhiều nơi đang phát triển mô hình trồng rừng gỗ lớn, rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững để cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ.
Bộ NN&PTNT cho biết, trong năm 2021, ngành Lâm nghiệp hướng tới mục tiêu bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững diện tích rừng hiện có. Đồng thời, nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng, tăng giá trị rừng sản xuất trên đơn vị diện tích, góp phần đáp ứng các yêu cầu về giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Mặt khác, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng.
Trong năm 2021, ngành Lâm nghiệp đề ra các chỉ tiêu cụ thể: Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 5,0-5,5%; giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt khoảng 13,5 tỷ USD.
Theo đó, để đạt được mục tiêu trên, ngành Lâm nghiệp sẽ triển khai bảo vệ và phát triển bền vững đối với 100% diện tích rừng hiện có. Đồng thời, tăng cường công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; ngăn chặn và xử lý kịp thời, có hiệu quả các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đảm bảo giảm tối thiểu 10% về số vụ vi phạm và diện tích rừng bị thiệt hại so với năm 2020.
Ngoài ra, tập trung trồng rừng tập trung khoảng 230.000 ha. Trong đó, rừng phòng hộ, đặc dụng 4.000-6.000 ha; trồng rừng sản xuất 225.000 ha. Khoanh nuôi tái sinh rừng 150.000 ha/năm. Trồng cây phân tán 50 triệu cây; thu từ dịch vụ môi trường rừng phấn đấu đạt 2.800 tỷ đồng.
Đặc biệt, tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 28/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển và bền vững ngành Công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu. Trong đó, ngành Lâm nghiệp sẽ tập trung phối hợp trong việc ngăn chăn tình trạng gian lận thương mại của một số doanh nghiệp xuất khẩu, kiểm soát chặt gỗ nhập khẩu từ các nước có nhiều rủi ro về nguồn gốc gỗ bất hợp pháp. Hoàn thành xây dựng Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ bền vững.
Song song với đó, thực hiện kế hoạch cấp chứng chỉ Quản lý rừng bền vững năm 2021, hoàn thành việc công nhận hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia và đủ điều kiện để liên thông với chứng chỉ rừng quốc tế. Triển khai rộng rãi việc thực hiện cấp chứng chỉ rừng theo Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia./.