Xuất khẩu điều 2019 sẽ vẫn ‘sóng gió’? 

(Chinhphu.vn) - Nhìn động thái người mua nhân điều để đi mua điều thô nguyên liệu là khuyến nghị mà Hiệp hội Điều Việt Nam tin rằng sẽ giúp các nhà chế biến tại Việt Nam thoát khỏi nỗi ám ảnh “lượng tăng, giá giảm”.

“Nốt trầm” giữa thủ phủ chế biến điều của thế giới

Theo tổng kết của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), năm 2018 được xem là một năm khó khăn của các doanh nghiệp chế biến, sản xuất điều vì nhiều biến động của tình hình kinh tế, xã hội toàn cầu, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng với các hình thức của hàng rào kỹ thuật về chất lượng và an toàn thực phẩm. Vì vậy chốt lại năm 2018, Việt Nam dù vẫn là quốc gia dẫn đầu thế giới về chế biến và xuất khẩu điều nhân (chiếm 60% thị phần toàn cầu) nhưng chỉ có sản lượng tăng (7,8%) còn kim ngạch thậm chí lại bị giảm đi (3%) so với năm 2017 trước đó.

Theo Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất khẩu điều nhân đạt 3,52 tỷ USD, chiếm 8,7% kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cả nước. Mặc dù sản lượng thu hoạch điều trong nước cũng khá cao và chất lượng hạt điều Việt Nam rất tốt nhưng khoảng cách giữa chế biến và trồng trọt vẫn còn khá xa. Hiện lượng điều thô trong nước sản xuất được mới chỉ đáp ứng 28% nhu cầu chế biến xuất khẩu. Số còn lại Việt Nam phải nhập từ các thị trường khác như Châu Phi, Campuchia…

Năm qua cũng đánh dấu một “nốt trầm”  đối với những người kinh doanh hàng điều thô quốc tế khi giữa quý 2, đầu quý 3 nhiều lô hàng phải nằm chờ tại cảng và các kho ngoại quan trước khi tới tay DN chế biến, chất lượng vì vậy cũng giảm đi. Trong khi đó, sản lượng điều thô tăng khá trên toàn cầu khiến bên mua nhân điều do Việt Nam sản xuất có tâm lý chờ đợi giá… giảm hơn nữa!

Không chỉ thể, khi giá thị trường đầu vào – đầu ra biến động như vậy, một số ngân hàng bắt đầu siết hạn mức tín dụng “đã hứa” với DN chế biến điều vì thấy rủi ro xuất hiện. Vậy là có không ít DN điều Việt Nam vốn phụ thuộc nhiều vào tiền vay ngân hàng đã phải yêu cầu bên bán “đàm phán lại”, hoặc tệ hơn, không thể thực hiện được cam kết với người bán, đành hủy hợp đồng, chịu mất cọc…

Khi bên mua điều thô không thể hoặc không muốn tuân thủ thỏa thuận đã ký kết do giá điều đã giảm nhanh, ông Nguyễn Thế Phiệt - doanh nhân đang đóng vai nhà thu mua và xuất khẩu điều thô tại Bờ Biển Ngà  để bán cho DN chế biến tại Việt Nam than thở “bị ngân hàng ở Singapore trừ điểm khi chiết khấu bộ chứng từ bán hàng cho phía Việt Nam với lý do đã từng thấy tên DN bên mua không thanh toán cho phía bán, ép giá bên bán, nhờ ngân hàng đánh điện yêu cầu người bán giảm giá…”. Vì vậy, doanh nhân này cho hay năm nay sẽ “đòi DN phía Việt Nam tới 30% tiền đặt cọc mua hàng”.

Để giữ chữ tín: Hãy nhìn đầu ra để mua đầu vào!

Từ phía các DN chế biến, thị trường đầu ra của nhân điều Việt Nam cũng không “dễ tính” gì khi liên tục mua nhỏ giọt với số lượng thấp, và chỉ muốn ký hợp đồng kỳ hạn ngắn để chờ giá giảm thêm. Trong khi đó, nhà chế biến vẫn phải găm vốn để tiếp tục nhập khẩu điều thô dự trữ cho sản xuất. Vì vậy, nhiều người mua tại Việt Nam cho rằng cũng rất cần bên bán thông cảm và chia sẻ.

Mặt khác, hiện người mua Việt Nam là nhà chế biến và xuất khẩu điều thô lớn nhất thế giới nên “đừng người bán nào nghĩ rằng có thể bắt nạt, yêu cầu chúng tôi một tỷ lệ tiền cọc lớn như vậy”, giám đốc một DN chế biến điều giấu tên khẳng định.

Để tránh những xung đột tương tự, ông Cao Thúc Uy - Ủy viên Ban thường vụ Vinacas – khuyến nghị doanh nghiệp chế biến không cần vội tích trữ tồn kho điều thô từ đầu năm. Bởi niên vụ 2019 này, ước tính lượng cung điều thô thế giới sẽ vượt cầu khi sản lượng từ các khu vực sản xuất chủ lực như châu Phi, Campuchia đều tăng mạnh - do nông dân tại đây sản xuất có hiệu quả với giá thành ở mức khá hợp lý. “Campuchia sẽ có mùa thu hoạch rầm rộ trong khoảng 15 ngày tới. Kinh nghiệm là nhìn động thái của người mua mà DN chế biến làm theo. Họ chỉ thích kỳ hạn 2-3 tháng thì DN chế biến cũng nên mua điều thô nguyên liệu theo chu kỳ đó để hạn chế thiệt hại”

Với chủ trương “dĩ hòa vi quý”, giữ gìn quan hệ làm ăn lâu dài cho cả đôi bên mua-bán, ông Phạm Văn Công - Chủ tịch Vinacas - cho hay ngành điều đang tích cực xây dựng Hội đồng hòa giải và Hội đồng thông tin. Theo đó, Hội đồng Hòa giải hiện cũng đã và đang hỗ trợ xử lý nhiều tranh chấp mua bán. “DN chế biến điều Việt Nam cần nghiêm túc thực hiện và tôn trọng các quy định, thông lệ của thương mại quốc tế. Còn như hiện nay đa phần các vụ tranh chấp xảy ra do hầu như hồ sơ mua bán của đôi bên đều không đầy đủ”.

Ngoài ra, người đại diện cao nhất của Vinacas tin rằng để góp phần khắc phục hiện tượng trên, cả DN và ngân hàng cho ngành điều vay vốn nên tham khảo thông tin thị trường từ Vinacas – bởi đây là nơi đang tập hợp, mua lại các thông tin quan trọng về ngành điều từ nhiều tổ chức uy tín trên thế giới. “Chúng tôi chịu trách nhiệm về thông tin này và đề nghị DN, cũng như ngân hàng sử dụng để tham chiếu, tránh bị nhiễu loạn khi ra quyết định kinh doanh”, vị Chủ tịch Vinacas khuyến nghị.

Dự báo năm nay ngành điều Việt Nam cũng sẽ ít nhiều chịu các tác động trái chiều từ nguy cơ tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và cuộc căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Do đó, nếu như DN chế biến điều tại Việt Nam khó khăn khi lãi suất vay vốn cao hơn thì bù lại ở đầu ra, người mua từ Trung Quốc cũng sẽ tấp nập hơn khi giá nhân điều Việt Nam trở nên rất cạnh tranh so với giá các loại hạt quả khô nhập từ Mỹ (trong đó có hạt điều).

Phương Hiền

671 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1400
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1400
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87168667