Xuất khẩu đi Đông Âu - ‘yêu lại từ đầu’ 

(Chinhphu.vn) - Khi xuất khẩu ngày càng đóng vai trò quan trọng thì đa dạng hóa thị trường là rất cần thiết để dàn trải rủi ro và thích nghi được với các biến động kinh tế - xã hội - chính trị lớn trên toàn cầu. Nhìn từ nhiều khía cạnh ấy thì thị trường Đông Âu như một "tảng băng chìm" còn rất nhiều tiềm năng khai phá.

Gian nan quay lại với thị trường truyền thống

Việt Nam - Đông Âu hiện đã thiết lập được hành lang pháp lý khá thuận lợi cho thương mại song phương với 14 Ủy ban Liên Chính phủ, một cơ chế tham vấn hợp tác kinh tế song phương Việt Nam - Ba Lan và một Hiệp định tự do thương mại Việt Nam - Liên minh kinh tế Á Âu (FTA VN-EAEU) - gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan.

8 quốc gia khác ở Đông Âu cũng đã gia nhập Liên minh Châu Âu, góp phần quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Điều này cũng đặc biệt ý nghĩa trong bối cảnh FTA Việt Nam-EU đang tiến tới những thủ tục cuối cùng trước khi chính thức có hiệu lực.

Từ đầu những năm 90, Đông Âu đã trở thành khu vực từng có hoạt động ngoại thương sôi động với Việt Nam. Tuy nhiên mối quan hệ thương mại này lại “trầm lắng” trong suốt thời gian qua - khi đa số DN tại Việt Nam lo tập trung khai thác những điểm đến hấp dẫn như EU và Mỹ.

Năm 2018, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Đông Âu chỉ mới chạm mốc 10,1 tỷ USD (trong đó thương mại với Nga đã chiếm đến 45%). Con số này hãy còn rất nhỏ bé nếu so với tổng giá trị xuất nhập khẩu hơn 480 tỷ USD của Việt Nam. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, hàng Việt xuất khẩu đi Đông Âu đã bắt đầu chuyển mình rõ nét trong khoảng 2 năm qua, với tốc độ tăng trưởng có lúc đạt hàng chục phần trăm/năm.

Tất nhiên, không thể phủ nhận sự đóng góp của FTA Việt Nam-EAEU và nhiều hành lang pháp lý cởi mở khác vào xu hướng ấy nhưng đây cũng không phải là cây đũa thần giúp DN tại Việt Nam có thể dễ dàng “yêu lại từ đầu”.

Thống kê từ Cơ quan Đại diện Thương mại Nga tại Việt Nam (Chi nhánh TPHCM) cho thấy xuất khẩu hàng Việt sang Nga có xu hướng giảm tốc trở lại sau khi bất ngờ “hồi sinh” giai đoạn 2016-2017, từ mức tăng hơn 35% năm 2017 chỉ còn tăng hơn 9% vào 2018 (trong đó hàng may mặc, giày dép giảm tốc mạnh nhất).

Vì sao như vậy?

Bên cạnh nguyên nhân đến từ các Biện pháp phòng vệ thương mại do Ủy ban Liên minh Kinh tế  Á-Âu áp dụng cho mặt hàng quần áo lót và quần áo trẻ em từ Việt Nam (hiện biện pháp này đã hết hiệu lực), theo các nhà kinh tế tại Nga, xu hướng này còn do tâm lý tiêu dùng thay đổi. Người Nga ngày nay tuy không còn “cuồng” hàng xa xỉ nhưng vẫn rất xem trọng chất lượng và thương hiệu. Đây cũng là những người tiêu dùng khá sành sỏi trong “khảo giá” và ưa chuộng kênh bán hàng online.

Thế nên, hàng Việt bị cạnh tranh gay gắt bởi hàng hóa bản địa hoặc hàng mang thương hiệu Nga sản xuất ở nước ngoài. “Dù Việt Nam có nhiều tên tuổi may mặc, da giày không thua kém hàng sản xuất tại Châu Âu về thời trang và chất lượng như An Phước, Việt Tiến, Blue Exchange hay Ninomaxx, Juno, Biti’s… nhưng các thương hiệu này chưa được biết đến rộng rãi ở Nga (một phần do chưa được sản xuất với kích cỡ phù hợp). Riêng hàng thủy sản Việt Nam lại có giá “cứng” hơn các nước Đông Nam Á khác do phải chịu giá thức ăn chăn nuôi khá cao”, ông Dmirtriy Makarov - Trưởng Cơ quan Đại diện Thương mại Nga tại Việt Nam (Chi nhánh TPHCM) nêu nhận xét.

Còn theo bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam - những thị trường mà Việt Nam đang xuất khẩu thành công như Mỹ và EU có văn hóa kinh doanh, thủ tục hành chính, phương thức thanh toán, ngôn ngữ sử dụng phổ biến trong thương mại rất khác biệt với Đông Âu. Dung lượng thị trường Đông Âu được đánh giá là còn nhỏ nên các nhà xuất khẩu tại Việt Nam cũng chưa mặn mà.

Đông Âu - “tảng băng chìm” còn chờ khai phá

Tuy nhiên, với bối cảnh của một nền kinh tế mà xuất khẩu ngày càng đóng vai trò quan trọng như Việt Nam thì đa dạng hóa thị trường là rất cần thiết để dàn trải rủi ro và thích nghi được với các biến động kinh tế - xã hội - chính trị lớn trên toàn cầu. Nhìn từ nhiều góc cạnh khác nhau, thị trường Đông Âu vẫn là “tảng băng chìm” còn rất nhiều tiềm năng khai phá.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nga Trần Đăng Chung (Chủ tịch Công ty Milton - Nga), xứ sở bạch dương là nơi mà cơ hội và thách thức luôn song hành. Sức mua của thị trường Nga đang giảm nên DN Việt cần có chiến lược phù hợp hơn, nếu vội vã đưa một lượng hàng lớn sang Nga thì khả năng thất bại là có thật. Tuy nhiên, cơ hội vẫn ở đó vì kinh doanh luôn có tính chu kỳ. “Milton cũng như nhiều DN khác tại Nga, chỉ thu hẹp một số mảng kinh doanh thiếu hiệu quả chứ không bỏ hẳn đi vì cần giữ tâm thế sẵn sàng ‘nhập cuộc’ khi thị trường tốt lên. Tóm lại, những DN lớn và kinh doanh chính thống rất nên làm ăn với thị trường Nga. Hiệu quả ban đầu có thể thấp nhưng tương lai hứa hẹn nhiều tiềm năng”, vị doanh nhân từng 30 năm kinh doanh tại Nga khuyến nghị.

Người đại diện Cơ quan Thương mại Nga thì để ngỏ lời mời gọi Việt Nam nhập khẩu thức ăn thủy sản từ vùng Artemia (Nga) để hàng thủy sản “made in Việt Nam” có giá bán cạnh tranh hơn khi ra thế giới.

Còn theo ông Bruno Hromy - Tham tán thương mại Đại sứ quán Slovakia tại Việt Nam - xu hướng di chuyển nhà máy dệt may từ Trung Quốc sang Việt Nam và các nước Châu Á khác không chỉ diễn ra trong giới doanh nghiệp Nga, mà cả ở Slovakia.

Thế mạnh dệt may và da giày với các liên doanh hoặc DN FDI hàng đầu thế giới cũng khiến Slovakia đang rất khan hiếm lao động có tay nghề đặc thù. “Slovakia không phải thị trường quá lớn khi chỉ có 5 triệu dân, nhưng lại là thị trường sản xuất và trung chuyển lợi hại của ngành công nghiệp ô tô, với lượng xe xuất khẩu mỗi năm lên đến 3 triệu chiếc”.

Cùng với Slovakia, Belarus cũng là thị trường đang nhập khẩu lớn nông thủy sản từ Việt Nam. Được biết, Belarus đã cấp đất cho dự án thành lập Ngôi nhà thương mại Việt Nam ngay tại thủ đô nước này để trưng bày và quảng bá cho hàng Việt. “Chúng tôi hoan nghênh nhà đầu tư Việt Nam tham gia các liên doanh tại Belarus. Thuế nhập khẩu, thuế VAT với hàng hóa đến từ liên doanh sẽ được ưu đãi hơn. Hàng hóa từ liên doanh cũng sẽ tỏa đi các trung tâm thương mại và chuỗi bán lẻ trong liên minh kinh tế Á - Âu một cách thuận lợi hơn”, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vostochnaya (Belarus) Bobko Igor kêu gọi.

Để giải tỏa những ngần ngại hay “mù mờ” thông tin đối với thị trường Đông Âu, “DN có thể liên lạc với thương vụ Việt Nam yêu cầu cung cấp thông tin về thị trường, về các DN địa phương. Thương vụ cũng sẽ hỗ trợ DN tìm kiếm khách hàng và kiểm tra, thẩm định thông tin, năng lực tài chính, thương mại của các đối tác sở tại”, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Belarus Nguyễn Tiến Phượng khẳng định thêm.

Ngoài ra, kênh thông tin và kết nối với giới doanh nghiệp Việt kiều tại Đông Âu cũng được cho là cần sự ủng hộ mạnh mẽ hơn. “Chúng tôi đang tìm cách ‘kết nghĩa’ các tỉnh thành Việt Nam với phía Đông Âu để giới doanh nhân Việt nhận được chế độ visa thuận tiện hơn. Chúng tôi mong cùng với Việt Nam xây dựng các Trung tâm giới thiệu sản phẩm và hội chợ cho những ngành hàng thế mạnh của Việt Nam như dệt may, đồ gỗ. Và đặc biệt kêu gọi sự hợp tác của DN Việt trong logistics để giảm giá vận chuyển - mấu chốt của tất cả các ‘cuộc chơi’ thương mại”, ông Hoàng Xuân Bình - Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan gợi mở.

Hiện thị trường Đông Âu đang có khoảng 400 triệu dân, với tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 4% mỗi năm, GDP bình quân đầu người là 9.300 USD.

Phương Hiền

394 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 683
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 683
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87254885