Xuất khẩu chịu áp lực lạm phát tại EU và Hoa Kỳ 

(Chinhphu.vn) - Nửa đầu tháng 8, giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt đơn 15 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến nay đạt hơn 232 tỷ USD, tạo nền tảng hoàn thành mục tiêu xuất khẩu cả năm 2022. Song, tình hình lạm phát ở các thị trường chính như châu Âu, Hoa Kỳ dự báo sẽ gây khó khăn cho nhiều ngành xuất khẩu chủ lực trong những tháng cuối năm.

Trong hơn 15 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu nửa đầu tháng 8, có 5 nhóm hàng đạt trên 1 tỷ USD, gồm: Điện thoại và linh kiện (2,71 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (1,94 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (1,87 tỷ USD); dệt may (1,8 tỷ USD); giày dép (hơn 1 tỷ USD).

Trong đó, với 1,8 tỷ USD giá trị xuất khẩu nửa đầu tháng 8, ngành dệt may đã nâng tổng kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm lên hơn 24 tỷ USD, cao nhất so với cùng kỳ từ trước đến nay.

Ngoài sản phẩm dệt may, ngành công nghiệp này còn đóng góp các mặt hàng xuất khẩu quan trọng là xơ, sợi dệt; vải mành, vải kỹ thuật với kim ngạch đạt lần lượt là; 3,24 tỷ USD và 562,4 triệu USD tính từ đầu năm năm đến 15/8.

Xuất khẩu chịu áp lực lạm phát tại EU và Hoa Kỳ - Ảnh 1.

VitaJean tập trung vào sản xuất ở các xưởng xuất hàng đi Nhật Bản, Hàn Quốc và sản xuất hàng nội địa trong bối cảnh sức mua của thị trường EU và Hoa Kỳ suy giảm do lạm phát - Ảnh: VGP/Băng Tâm

Giảm tốc do lạm phát tại EU và Hoa Kỳ

Hiệu ứng dây chuyền từ các yếu tố lạm phát, rối loạn chuỗi cung ứng, dịch bệnh… khiến sức mua ở nhiều thị trường trên thế giới bắt đầu suy giảm. Tăng trưởng của nhóm ngành sản xuất chủ lực như dệt may, giày dép, đồ gỗ đều giảm so với tháng trước và cùng kỳ năm 2021.

Nửa đầu tháng 8 đạt trên 623 triệu USD, dự kiến ngành gỗ và các sản phẩm từ gỗ sẽ duy trì giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD trong tháng 8. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa), xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ bắt đầu ảnh hưởng bởi lạm phát của các thị trường chủ lực như châu Âu, Hoa Kỳ, từ tháng 5 giá trị xuất khẩu giảm và đi ngang trong 3 tháng gần đây. Theo ông Phương, lạm phát tăng cao khiến người tiêu dùng bình dân ở các thị trường EU và Hoa Kỳ đang tiết kiệm chi tiêu sản phẩm nội thất.

Ngoài ra, trong dịch COVID-19, chuỗi cung ứng hỗn loạn, một số nhà mua đã tranh thủ tích trữ khi có cơ hội mua hàng dẫn đến tình hình hiện nay nhiều chuỗi bán lẻ bị tồn rất nhiều hàng, nhất là ở phân khúc hàng đơn giản.

Dệt may cũng bị tác động tương tự. Theo thông tin từ Hội Dệt may Thêu đan TPHCM, tình trạng tồn kho đang xảy ra ở các hệ thống bán lẻ của đối tác, tại các cảng và kho hàng của doanh nghiệp sản xuất. Thậm chí ở VitaJean, một doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu theo phương thức OEM đóng tại TP. Thủ Đức, TPHCM đã phải giảm giá đến 30% để thúc đẩy giải phóng hàng tồn kho ở thị trường Hoa Kỳ.

Thu hẹp quy mô sản xuất

Dự đoán tình hình lạm phát, sức mua yếu ở EU và Hoa Kỳ sẽ kéo dài ít nhất một năm nữa, ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc VitaJean cho biết, doanh nghiệp của ông buộc phải giảm công suất sản xuất, duy trì 4-5 ngày làm việc mỗi tuần. Thậm chí dừng hẳn việc sản xuất đón đầu xu hướng thời trang vì lo ngại sức mua tại EU và Hoa Kỳ khó phục hồi, trong khi hàng thời trang tồn kho sẽ khó tiêu thụ khi qua mùa.

Các doanh nghiệp gỗ thuộc Hawa cũng chọn giải pháp tương tự, giảm quy mô sản xuất, thậm chí đóng cửa một số phân xưởng. Ông Nguyễn Chánh Phương cho biết, trong tình cảnh này, chuỗi gia công bên ngoài nhà máy thường không được ưu tiên, các doanh nghiệp sẽ chọn cắt giảm chuỗi này.

Cái khó với các doanh nghiệp khi giảm quy mô sản xuất là giữ lực lượng lao động. Ông Việt cho biết, khi sản xuất ổn định, thu nhập trung bình của công nhân dệt may ở khu vực TPHCM cao nhất có thể đạt 13 triệu đồng/tháng. Nhưng nếu không tăng ca thì giảm 20% thu nhập, mỗi tuần nghỉ một ngày thì thu nhập tiếp tục giảm thêm 15%.

"Vừa rồi chúng tôi phân tích thì doanh nghiệp tại khu vực TPHCM khả năng trả cao nhất cho người lao động ở mức 8 triệu đồng. Tiền thuê nhà, vào năm học mới, tất tật thì mức ấy anh em không đủ sống. Nhưng doanh nghiệp không còn lựa chọn khác, hiện như VitaJean đang tồn hàng hơn 3 tháng bên phía đối tác Hoa Kỳ", ông Việt chia sẻ.

Xuất khẩu chịu áp lực lạm phát tại EU và Hoa Kỳ - Ảnh 2.

Ngành gỗ kiến nghị duy trì hạn mức tín dụng và ưu tiên gói hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp còn đơn hàng xuất khẩu để tái đầu tư - Ảnh: VGP/Băng Tâm

Đối với các doanh nghiệp ngành gỗ, theo ông Nguyễn Chánh Phương, trong tình huống phải cắt giảm nhân công thì đối tượng yếu thế nhất chính là lao động không có tay nghề, họ cũng khó tìm việc làm mới. Theo tính toán của ông Phương, các gói hỗ trợ của Chính phủ với người lao động vừa qua tương đương khoảng nửa tháng lương, đã chia sẻ được phần nào áp lực giảm thu nhập nhưng cơ bản nhất vẫn cần duy trì việc làm ổn định.

"Nói gì đi nữa, các ngành sản xuất phải có hiệu quả thì mới đảm bảo dòng tiền để giữ lại lực lượng lao động, cùng với đó, phải triển khai các hoạt động tiếp thị, giữ nguồn nguyên liệu, sản xuất, giữ tồn kho chờ thị trường phục hồi…", ông Nguyễn Chánh Phương đánh giá đây là bài toán khó giải với các doanh nghiệp ngành gỗ hiện nay.

Kiến nghị giãn nợ và giữ hạn mức tín dụng

Dự báo sẽ đối mặt với giảm sức mua ở khu vực EU, Hoa Kỳ kéo dài từ 6 tháng đến một năm, nhưng ông Nguyễn Chánh Phương nhận định tình hình không nghiêm trọng như giai đoạn khủng hoảng năm 2008.

Tuy nhiên, những gián đoạn như hiện nay sẽ gây áp lực lớn về dòng tiền. Mỗi tháng, toàn ngành gỗ và các sản phẩm từ gỗ của nước ta xuất ra thế giới khoảng 1,2-1,5 tỷ USD. Trong đó, vốn lưu động mua vật tư, trả nhân công… chiếm ít nhất 80%, tức là khoảng một tỷ USD. Trong khi doanh nghiệp Việt thường dự trữ tài chính không mạnh, do vậy Hiệp hội Gỗ Việt Nam đã có kiến nghị Ngân hàng Nhà nước duy trì hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp trong mùa sản xuất chính vào những tháng cuối năm.

Riêng với gói hỗ trợ 2% lãi suất, Hiệp hội đưa ra đề xuất với doanh nghiệp còn đơn hàng xuất khẩu, duy trì việc làm ổn định thì được ưu tiên trong tiếp cận gói ưu đãi này để tái đầu tư.

Trong khi toàn ngành với sản lượng xuất khẩu lớn như vậy, Hiệp hội cũng đề nghị các ngân hàng giãn nợ để tránh tình trạng đưa doanh nghiệp vào tình huống nợ xấu. "Doanh nghiệp có thể phục hồi trong vài tháng tới, nhưng nếu rơi vào tình trạng nợ xấu thì sẽ ảnh hưởng đến chu kỳ tiếp theo, không tiếp cận được khoản vay mới, nghĩa là rất khó phục hồi ngay cả khi vượt qua được giai đoạn khó khăn hiện nay", ông Nguyễn Chánh Phương phân tích.

Cùng đề xuất ngân hàng giữ room tín dụng và giãn nợ cho sản xuất, ông Phạm Văn Việt cho rằng, khi sức mua ở các thị trường chủ lực như EU và Hoa Kỳ chưa phục hồi thì ngay cả những nhà máy "khỏe mạnh" về năng lực tài chính cũng chỉ duy trì sản xuất được trong vòng 2 tháng tới. Trong giai đoạn cầm chừng như vậy, VitaJean chỉ giữ sản xuất cho các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và đẩy mạnh tiêu thụ nội địa để giữ lao động.

Bối cảnh lần này đặt các ngành sản xuất xuất khẩu trước đòi hỏi tái cơ cấu từ thị trường, sản phẩm đến chiến lược phát triển. Đối với ngành gỗ, chúng ta mới chỉ đáp ứng chưa đến 10% thị trường toàn cầu. Ông Nguyễn Chánh Phương cho biết, Hiệp hội đang kết nối xúc tiến với thị trường hoàn toàn mới là Trung Đông và chuyển dần lên phân khúc cao cấp.

"Qua đợt này cho thấy doanh nghiệp làm mặt hàng phân khúc thấp, giá rẻ, volume lớn thì thường gặp bất lợi hơn. Trong khi những doanh nghiệp có tính linh hoạt, đầu tư sản xuất những mặt hàng chất lượng cao, nhất là những doanh nghiệp phát triển thêm thiết kế, đa dạng thị trường thì ít tổn thương hơn. Do vậy, những tình huống như hiện nay tuy khó khăn nhưng sẽ đưa sản xuất ngành gỗ của chúng ta sang một nấc phát triển khác, chứ không phải là đi xuống", ông Phương đánh giá.

Băng Tâm

125 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1374
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1374
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87161448