|
Hàng dệt và may mặc giảm 18,8% trong tháng 4/2020. Ảnh minh hoạ. |
Xuất khẩu lao dốc
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 4/2020 ước đạt 19,7 tỷ USD, giảm mạnh 18,4% so với tháng 3/2020 và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu hầu hết các nhóm hàng đều sụt giảm so với tháng 3/2020.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước ước đạt 6,35 tỷ USD, giảm 16,7% so với tháng 3/2020 và giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI cũng giảm 19,1% so với tháng 3/2020 và giảm 4,5% so với cùng kỳ, đạt 13,35 tỷ USD (bao gồm cả dầu thô).
Nhóm hàng công nghiệp chế biến giảm mạnh nhất, giảm 20% so với tháng trước, ước đạt 16,4 tỷ USD.
Sự sụt giảm được thể hiện rõ ở các ngành hàng chính của nhóm hàng công nghiệp chế biến như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 10,5% so với tháng 3/2020, đạt 3,3 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện giảm 37,9%, đạt 3,3 tỷ USD; hàng dệt và may mặc giảm 18,8%, đạt 1,9 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 8,3%, đạt 1,8 tỷ USD; giày dép các loại giảm 6,6%, đạt 1,3 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 13,8%, đạt 850 triệu USD...
Kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản cũng giảm 18,6% so với tháng 3/2020, đạt 247 triệu USD. Trong nhóm này, xuất khẩu dầu thô trong tháng 4/2020 tăng mạnh 26,5% về lượng nhưng giảm 14,1% về kim ngạch so với tháng 3/2020 do giá sụt giảm.
Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản giảm 6,6% so với tháng 3/2020, ước đạt 2,02 tỷ USD.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 82,94 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 6,5%). Trong khi kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2019, thì kim ngạch xuất khẩu của hai nhóm hàng nông, thủy sản và nhiên liệu khoáng sản lại giảm lần lượt là 5,4% và 15,4%.
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu trong tháng 4 với các nước đối tác lớn của Việt Nam đều bị sụt giảm so với tháng trước do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong đó, thị trường ASEAN giảm 20% so với tháng 3/2019; Trung Quốc giảm 2,9%; Nhật Bản giảm 9,3%; Hàn Quốc giảm 13,7%; EU giảm 28,6%; Hoa Kỳ giảm 24,1%...
Tính chung 4 tháng, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 20,25 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là thị trường Trung Quốc đạt 13,125 tỷ USD, tăng 26,7%.
Về nhập khẩu, trong 4 tháng đầu năm 2020, nhóm hàng hóa cần nhập khẩu chiếm 88,03% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu với kim ngạch đạt 70,33 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện vẫn là mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu đạt kim ngạch cao nhất, đạt 17,75 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2019; điện thoại các loại và linh kiện tăng 12%; sản phẩm hóa chất tăng 20,5%; sản phẩm chất dẻo tăng 14,6%.
Trái lại, kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng phục vụ ngành may mặc và một số ngành khác lại giảm đáng kể như: Vải các loại giảm 10,9%; nguyên phụ liệu dệt, may, da giày giảm 3,2%; thức ăn gia súc và nguyên liệu giảm 16,1%; xăng dầu các loại giảm 40,5%.
Trung Quốc hiện vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 22,73 tỷ USD, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước.
Bộ Công Thương nhận định: Sau khi đạt mức tăng trưởng khá tích cực trong quý I/2020, hoạt động thương mại của Việt Nam trong tháng 4/2020 đã bắt đầu chịu tác động mạnh từ đại dịch COVID-19. Những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh được dự báo sẽ tác động rõ nét hơn tới hoạt động thương mại của Việt Nam trong quý II/2020 bởi từ giữa tháng 3/2020 đến nay, dịch bệnh đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến các thị trường đối tác thương mại lớn của Việt Nam là Mỹ, EU, Nhật Bản.
|
Hàng hoá được kiểm dịch khắt khe tại các cửa khẩu. Ảnh: VGP/Thuý Hà. |
Tác động của dịch bệnh lên xuất nhập khẩu
Theo phân tích của Bộ Công Thương, tại thời điểm hiện tại, dịch bệnh COVID-19 đã tác động trực tiếp đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam ở 5 khía cạnh chính:
Thứ nhất, nhu cầu hàng hóa sụt giảm mạnh. Từ tháng 3/2020, toàn cầu bước vào giai đoạn đại dịch với mức độ lây lan nhanh nguy hiểm, Chính phủ các quốc gia đang ban hành những biện pháp kiểm soát dịch bệnh như tạm đóng cửa xuất nhập cảnh, hạn chế tụ tập, mua sắm đông người, hạn chế hoạt động của các Trung tâm thương mại... khiến nhu cầu mua bán hàng tiêu dùng như: dệt may và giày dép, đồ gỗ… tại nhiều thị trường giảm.
Hiện tại, xu hướng chính của các đối tác nhập khẩu của Việt Nam thông báo là là hoãn đơn hàng trong tháng 4, 5 và tạm thời chưa đàm phán đơn hàng từ tháng 6 trở đi (thông thường hàng năm, thời gian này đã là thời gian đàm phán cho các đơn hàng cuối năm).
Thứ hai, hoạt động giao thương hạn chế. Thêm vào đó, khuyến cáo tránh tiếp xúc cũng ảnh hưởng nghiêm trọng hoạt động giao dịch, làm việc trao đổi của doanh nghiệp Việt Nam và đối tác, đặc biệt đối với các hoạt động giao dịch cần phải có sự trao đổi làm việc trực tiếp.
Thứ ba, hoạt động thông quan hàng hóa khó khăn, tăng thêm thời gian và chi phí. Thời điểm hiện nay, các nước vẫn cho thực hiện thông quan hàng hóa nhưng tiến độ thông quan chậm do tăng cường kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh ở cả hai đầu (xuất và nhập).
Thứ tư, tình trạng hủy và hoãn đơn hàng kéo dài sẽ khiến nhiều doanh nghiệp đứng trước những khó khăn như: trả lương người lao động, nhà cung cấp, tiền thuê mặt bằng, lãi vay ngân hàng...
Thứ năm, giá hàng hóa sụt giảm cũng ảnh hưởng nhiều tới hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Có thể kể đến như: giá xuất khẩu nhân điều giảm 12,9%; cà phê giảm 2,2%; chè giảm 13,1%; hạt tiêu giảm 19%; giá dầu thô WTI đã giảm mạnh 77,3% (tương ứng giảm 53,46 USD/thùng) so với đầu năm 2020, xuống còn 15,72 USD/thùng.
Tăng cường giao thương trực tuyến
Về giải pháp trước mắt, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện Bộ Công Thương đang ưu tiên triển khai các hoạt động kết nối giao thương trực tuyến giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác có nhu cầu nhập khẩu; tuyên truyền quảng bá doanh nghiệp và sản phẩm, thương hiệu sản phẩm của Việt Nam đến người tiêu dùng trong nước và thế giới.
Đồng thời, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất nhập khẩu đối với thị trường Trung Quốc.
Xây dựng và hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý quan hệ khách hàng tích hợp cơ sở dữ liệu doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam và chia sẻ quyền truy cập hệ thống cho hệ thống các Thương vụ, Trung tâm Xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài để cùng khai thác, sử dụng để tăng cường khả năng kết nối cơ hội kinh doanh, đầu tư.
Bộ Công Thương đang tiến hành đẩy nhanh tiến trình, thủ tục, sớm hoàn thành việc trình phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA). Tập trung hoàn thiện việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn EVFTA để có hiệu lực ngay khi Hiệp định được thực thi. Đẩy mạnh tuyên truyền về EVFTA và cách tận dụng các cơ hội từ EVFTA mang lại. Các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ ở châu Âu tập trung nguồn lực để phát triển thị trường, tìm kiếm các thị trường xuất khẩu, nhập khẩu mới trong bối cảnh EVFTA được thực thi.
“Hiện, Bộ Công Thương đã chuẩn bị các kịch bản và phương án để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu sang thị trường EU ngay khi kết thúc dịch bệnh, có tính đến việc tận dụng Hiệp định EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu và khôi phục thị trường.
Đồng thời, đẩy mạnh đơn giản hóa và điện tử hóa các thủ tục hành chính, thủ tục hải quan để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; áp dụng thương mại điện tử, xúc tiến xuất khẩu hàng hóa trên môi trường mạng”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.
Phan Trang