Theo người dân, hố sụt lún đầu tiên xảy ra cách đây 5 tháng tại vườn nhà ông Nguyễn Hy, có đường kính 1m, sâu 0,6m. Sau đó, miệng hố rộng ra, đến nay đường kính lên tới 3m. Hiện trong vườn nhà ông Hy có 16 hố sụt lún lớn nhỏ, có hố chỉ cách nhà ở khoảng 5m.
Kể từ khi xuất hiện những hố sụt lún này, ngôi nhà xây cấp bốn và các hệ thống công trình phụ nhà ông Hy cũng đã có hiện tượng nứt tường ngày một nhiều hơn.
|
Sụt lún đất tại thôn Dương Đại Thuận.
|
Hiện tại, vườn nhà ông Nguyễn Tuấn Anh cùng thôn Dương Đại Thuận cũng xảy ra tình trạng sụt lún đất tương tự…
Ông Lê Quang Giải, Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong cho hay, trước sự việc bất thường này, chính quyền địa phương đang phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra thực địa để tìm nguyên nhân.
Trước đó, vào tháng 2/2006, tại thôn Tân Hiệp và thôn Đâu Bình, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, Quảng Trị cũng đã xảy ra sụt lún đất với tổng cộng 36 hố lớn nhỏ. Các lực lượng vũ trang đã phải di dời người dân ra khỏi vùng sụt lún, chính quyền địa phương đã xây dựng khu tái định cư hỗ trợ người dân sinh sống nơi ở mới.
Vào thời điểm đó, Đoàn các nhà khoa học địa chất Trường Đại học Khoa học Huế do GS-TS Nguyễn Thanh dẫn đầu, đã tiến hành khảo sát hiện trường sụt lún đất tại thôn Tân Hiệp.
Qua nghiên cứu, GS-TS Nguyễn Thanh cho rằng, khu vực thôn Tân Hiệp nằm trong vành đai vỉa đá vôi ngầm, trên bề mặt lại có suối ngầm và trong thời gian mưa lớn kéo dài đã làm cho mực nước suối ngầm chảy mạnh, mang theo đất cát tạo nên các hang động gây ra sụt lún đất. Mưa lớn cũng làm cho lớp đất mặt bị giảm độ liên kết, càng dễ sụt khi tầng đất ngầm bị hổng.
Thanh Bình