Xuân về với phụ nữ vùng cao 

Xuân về, có một món tiền kha khá để lo cho cái Tết đủ đầy là niềm mong mỏi không của riêng ai. Đối với chị em miền núi hai huyện Đakrông & Hướng Hóa, nỗi niềm đó càng đau đáu hơn.

Căn nhà nhỏ của chị Hồ Thị Thoa, vốn đã chật giờ lại càng chật chội thêm khi hôm nay có hàng chục chị em tụ họp về đây cười nói rôm rả. Chả là, hôm nay là ngày "giũ sổ", chia tiền của tổ "tiết kiệm vốn vay thôn bản" thôn Raly, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa.

Chị Hồ Thị Bê không giấu được niềm vui nói với tôi rằng: “Từ ngày tham gia vào nhóm tiết kiệm, cuối năm miềng phấn khởi lắm, vì có tiền để lo Tết cho cả nhà.”

Không chỉ chị Bê vui vẻ vì đã có gần 5 triệu đồng lo trả nợ, sắm Tết, mà hàng chục chị em tham gia trong tổ tiết kiệm cũng vui mừng không kém. Cầm tiền trong tay, chị Hồ Pỉ Vư cười nói với tôi: "Tết này nhà miềng có tiền để sắm Tết rồi".

Chị em chia tiền tiết kiệm cuối năm

Những ngày cuối năm này, các nhóm tiết kiệm ở các chi hội khác đều đã bắt đầu tổng kết, chia tiền tiết kiệm. Chị Hồ Thị Doóc, nhóm trưởng nhóm tiết kiệm thôn Raly, xã Hướng Sơn cho biết: “Tham gia nhóm tiết kiệm chị em góp ít nhất 20.000 đồng, nhiều thì 50 -100 ngàn, tùy theo khả năng của từng người. Hết năm khi cái Tết đã cận kề thì tổng kết chia tiền. Hôm nào tổng kết cũng có mấy chục người đến tham gia, vui lắm.”

Được biết, mô hình tiết kiệm vốn vay thôn bản được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Trị phối hợp với Tổ chức Plan triển khai xây dựng tại 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông từ năm 2013. Theo đó, chị em tham gia vào nhóm, mỗi nhóm có khoảng 15 đến 20 người, cứ vào ngày 15 hàng tháng, nhóm tổ chức sinh hoạt vừa phổ biến thông tin về chính sách hỗ trợ cho phụ nữ, những mô hình làm ăn mới có hiệu quả để chia sẽ, trao đổi kinh nghiệm làm ăn cũng như kinh nghiệm tổ chức cuộc sống, nuôi dạy con cái và mỗi thành viên tham gia góp tiền tiết kiệm tối thiểu là 20 nghìn đồng, tối đa 200 nghìn đồng. Số tiền này dùng để quay vòng, cho nhau mượn không lấy lãi để đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi. Ngoài ra, các thành viên còn đóng góp mỗi tháng 2 nghìn đồng vào Quỹ xã hội để thăm hỏi, giúp đỡ các gia đình khi gặp khó khăn, ốm đau, hoạn nạn. "Góp gió thành bão", số tiền gởi tuy ít nhưng đến cuối năm rút ra cũng có được gần triệu bạc. Nếu như góp nhiều, số tiền cuối năm lãnh ra đến gần chục triệu, đủ để có thể sắm được một vật dụng đáng giá.

Cho đến nay tại 2 huyện Đakrông và Hướng Hóa đã thành lập được trên 436 nhóm tiết kiệm, thu hút hơn 8.202 thành viên là phụ nữ, ngoài ra thấy mô hình này hoạt động có hiệu quả có hơn 400 nam giới cũng tham gia.

Mặc dù, với nguồn vốn cho vay còn ít  do cuộc sống của chị em vùng cao nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn. Nhưng với mục đích sử dụng vốn vay có hiệu quả  đồng thời đóng tiết kiệm đúng thời gian quy định đã giúp cho chị em phụ nữ đặc biệt là phụ nữ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số biết cách sử dụng đồng tiền đúng mục đích để tạo dựng nguồn tài chính và phát triển kinh tế cho gia đình.

Nhờ mô hình này, chị em miền núi đã dần hình thành thói quen chi tiêu tiết kiệm hàng ngày để tích lũy tiền cho những ngày cuối năm đón Xuân vui vẻ, đầm ấm, hạnh phúc. Thanh Thúy-Ban Tuyên giáo Hội LHPN tỉnh Quảng Trị

901 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin cơ sở

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 887
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 887
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87192698