|
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. |
Hướng tới kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2024), PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng biên tập Báo Nhân Dân, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương đã có những suy ngẫm sâu sắc về công tác xây dựng Đảng bắt đầu từ công việc thường xuyên, liên tục của Đảng là công tác kết nạp Đảng tại khu dân cư. Từ câu chuyện giản dị đó, bài viết đề cập những vấn đề có tính chất khái quát, tổng hợp, gợi mở một số vấn đề lớn, quan trọng về công tác xây dựng Đảng qua thực tiễn 94 năm lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.
Hiện nay, bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường. Đất nước đứng trước nhiều thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức với rất nhiều vấn đề mới đặt ra, nhưng Đảng ta, đất nước ta vẫn kiên định đổi mới toàn diện, hội nhập và phát triển, phấn đấu đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trân trọng giới thiệu bài Bút ký của PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh đến bạn đọc:
Đúng dịp đón năm mới 2024, chiều 3/1/2024, Chi bộ số 10 - nơi tôi sinh hoạt Đảng thường kỳ tổ chức lễ kết nạp đảng viên mới: đồng chí Bùi Ngọc Thế Trường, 23 tuổi, tốt nghiệp đại học, tự nguyện về công tác tại nơi sinh sống, nhận nhiệm vụ Phó Bí thư chi đoàn thanh niên cụm dân cư số 10, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội.
|
Đồng chí Lại Xuân Doãn, Bí thư chi bộ số 10, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội trao quyết định kết nạp đảng viên mới cho đồng chí Bùi Ngọc Thế Trường |
Trước khi diễn ra sự kiện này, anh bạn tôi quen từ ngày học ở Liên Xô vào những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, đến thăm và trò chuyện với tôi khá lâu. Chuyện trên trời, dưới đất; chuyện thế thái nhân tình, chuyện Tổng thống Mỹ Joe Biden và các tổng thống trước đó vì sao khi sang Việt Nam trong các buổi hội đàm đều trích dẫn Kiều, v.v.. và v.v.. Đương nhiên, tôi cũng góp vào sự luận bàn rôm rả ấy, thậm chí có lúc phải tranh luận, phản biện về một vấn đề cụ thể mang tính thời sự do anh đưa ra, ví như chuyện kết nạp đảng viên mới nêu trên. Anh chăm chú lắng nghe rồi thủng thẳng: "Đó là chuyện hiếm, rất đáng suy ngẫm đó! Nhưng theo tôi, có lẽ mặt băn khoăn là nhiều hơn cả, vì hiện tượng "khô Đoàn, nhạt Đảng" đang diễn ra khá phổ biến ở không ít nơi". Rồi anh viện dẫn một cụm từ đã được nhiều lãnh đạo cấp cao, nhất là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cảnh báo "phải ngăn chặn và đẩy lùi những biểu hiện "lợi ích nhóm" đang làm tha hóa không ít cán bộ, đảng viên”. Tôi gật gù về ý kiến ấy, nhưng lưu ý anh: Một thanh niên tốt nghiệp đại học chính quy, về sống hòa đồng với bà con, hăng hái tham gia các hoạt động của khối phố, nhất là hoạt động đoàn thể xã hội, thì cá nhân ấy có lợi ích gì; những đảng viên giúp đỡ anh đó vào Đảng có lợi ích gì?
Trầm ngâm một lúc, anh nhắc tôi hãy nhớ câu thơ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: "Thớt có tanh tao ruồi mới đến/Gan không mật mỡ kiến bò chi!". Tôi sôi nổi phản biện: “Anh đã nhầm lẫn giữa hiện tượng và bản chất. Đây là một chuyện người thật, việc thật ở nơi tôi đang sống, thì chẳng có thể suy diễn vì có "mật mỡ" gì đó, chàng thanh niên này mới xin vào Đảng?!”.
Anh bạn lại "chuyển làn" sang chuyện một loạt Bộ trưởng, Thứ trưởng đang vướng vào các đại án, đang bị các cơ quan pháp luật xét xử; từ đó, khẳng định rằng: "Suy cho cùng đều do "lợi ích nhóm" chi phối". Tôi đồng ý nhận định có tính tổng quát đó của anh, nhưng nói rành mạch rằng, anh là người chuyên nghiên cứu về khoa học xã hội, càng thấu rõ quy luật sinh tồn và đào thải của tự nhiên và cả trong xã hội. Những vị Bộ trưởng, Thứ trưởng, Ủy viên Trung ương Đảng... vừa qua bị xử lý hành chính và pháp luật là có thật. Nhưng nếu căn cứ vào đó để xác quyết rằng Đảng này đang hư hỏng "toàn thân", rằng "Đảng đang tan rã", thì nhận định đó có phần cực đoan, thiếu biện chứng...
|
Vì có việc riêng, anh bạn chia tay tôi và hẹn gặp lại để tiếp tục câu chuyện thú vị vừa xong. Bẵng mấy tuần, anh điện khen bài viết "Thêm sức mới" của tôi trên báo Tuổi trẻ Thủ đô nói về buổi lễ kết nạp anh Trường vào Đảng, rồi nói giọng chân tình: "Đúng là nhìn nhận bản chất một sự việc không thể hồ đồ, nóng vội, càng không nên suy diễn, quy chụp tùy tiện". Điều làm tôi bất ngờ và xúc động, khi anh cho biết, đã đọc bài "Mùa xuân và Đảng" đăng ở Tạp chí Tuyên giáo số Tết Quý Mão 2023 và nhận thấy nội dung đề cập trong bài về cơ bản có lý, có tình, có sức thuyết phục.
Vì bài viết ấy khá dài, nên tôi chỉ xin tóm lược mấy điều căn cốt có liên quan chủ đề về kết nạp đảng viên mới nêu trên. Trong bài viết ấy, tôi đã dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng: "Với tất cả đức tính khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng: "Đảng ta thật là vĩ đại!". Để chứng minh cho lời khẳng định của Bác, tôi dẫn giải: Đảng ta vĩ đại vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác. Đảng ta vĩ đại bởi tầm nhìn trí tuệ và tầm chiến lược, đã tiếp thu, vận dụng những kinh nghiệm dựng nước và giữ nước quý báu của cha ông ta từ xưa, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, nên đã đánh thắng 4 cuộc chiến tranh xâm lược từ ngày thành lập Đảng đến nay. Đảng ta vĩ đại vì biết dựa vào sức mạnh nhân dân, lắng nghe nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh. Trong niềm vui đất nước thống nhất vào ngày 30/4/1975, Đảng ta không quên lời cảnh báo của Bác Hồ: "Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân".
Lời Bác quả là tiên tri vì trong thời cơ chế thị trường, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên do tự cao, tự đại, không chịu tu dưỡng, rèn luyện nên đã để chủ nghĩa cá nhân ngự trị, sinh ra "lợi ích nhóm", kéo bè, kéo cánh, lợi dụng chức quyền vơ vét của dân. Trước thực trạng đau lòng ấy, Đảng ta đã nghiêm túc và khẩn trương ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Hàng chục cơ sở đảng bị kỷ luật, hàng trăm cán bộ, đảng viên, trong đó có không ít cán bộ cao cấp đã lĩnh án tù giam và phải bồi thường tài sản cho Nhà nước. Cuộc chiến chống "giặc nội xâm" với phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ" đã và đang được toàn Đảng, toàn dân kiên quyết và kiên trì thực hiện. Chúng ta không muốn thế và rất đau lòng phải thi hành kỷ luật nhiều cán bộ, nhưng cần "chặt một cành cây sâu để cứu cả cánh rừng" thì vẫn phải làm. Làm được điều này, vì Đảng ta mang bản chất cách mạng và khoa học trên nền tảng của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Làm được điều đó vì ý Đảng hợp lòng dân, do vậy được nhân dân đồng tình và ủng hộ. Vì thế, nếu ai đó chỉ căn cứ việc kỷ luật nhiều cán bộ là điều báo hiệu "sự tan rã của một Đảng cầm quyền" - đó là luận điểm của những người "chỉ nhìn cây, mà không thấy rừng", chỉ nhìn vào một số người mắc khuyết điểm cụ thể, mà không thấy rằng Đảng ta với hàng triệu đảng viên, trong đó có rất nhiều người đang đi tiên phong trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chỉ cần điểm qua vài sự kiện đặc biệt, các đợt chống đại dịch COVID-19 trong những năm 2020, 2021, những ai đã xung phong đi vào tâm dịch và có không ít người đã hy sinh vì lây nhiễm; những ai có mặt ngày đêm ở những nơi mưa lũ, núi sạt để cứu người? Tất cả là cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên!
Chính vì thế, Đảng ta vẫn tồn tại, đã và đang thực hiện sứ mệnh lãnh đạo đất nước và xã hội như Hiến pháp 2013 đã thừa nhận. Không có một đảng cầm quyền kiên định đường lối; không có nhân dân anh hùng, kiên cường và sáng tạo; không có sức mạnh ấy, làm sao đất nước ta có “cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” – như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định; làm sao năm 2015, tuy hai ý thức hệ đối lập nhau, các nhà lãnh đạo nước Mỹ lại mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Mỹ và đón tiếp trọng thị theo nghi lễ nguyên thủ quốc gia? Không có những thành tựu to lớn và lịch sử của gần 40 năm đổi mới, làm sao hầu hết các cường quốc đều đã ký kết nâng tầm quan hệ lên đối tác toàn diện hoặc đối tác chiến lược toàn diện với nước ta? Vì sao các Tổng thống Mỹ như Bill Clinton, George W. Bush, Barack Obama, Donald Trump, Joe Biden đến Việt Nam, trong phát biểu chính thức, đều viện dẫn Kiều? Bởi lẽ, Nguyễn Du là danh nhân văn hóa kiệt xuất được UNESCO tôn vinh; bởi tác phẩm đó là hiện thân tinh hoa văn hóa Việt Nam được bồi đắp và phát triển qua hàng ngàn năm lịch sử, để dân tộc ta từ đau thương, nô lệ đã vùng lên "rũ bùn đứng dậy sáng lòa" (Nguyễn Đình Thi); và hôm nay đang chung sức chung lòng, xây dựng đất nước "sánh vai với các cường quốc năm châu" như tâm nguyện của Bác Hồ lúc sinh thời.
|
|
Để khép lại bài viết này, tôi muốn nhắc lại câu của ông Joe Biden lúc làm Phó Tổng thống, khi chiêu đãi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đọc câu Kiều: "Trời còn để có hôm nay/Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời". Câu thơ bao hàm nhiều ý tứ, mà ông Bidden muốn gửi gắm; nhưng với tôi, hiểu đơn giản rằng, "để có hôm nay", hàng triệu người Việt Nam đã ngã xuống trong các cuộc chiến tranh giành độc lập, tự do. Và khi mục tiêu ấy đã được thực hiện, nhân dân ta sẵn sàng khép lại quá khứ, xóa bỏ hận thù, hướng tới tương lai, luôn dang rộng vòng tay nhân ái, hữu nghị làm bạn với tất cả các nước có cùng mục tiêu hòa bình, ổn định và phát triển.
Ai đang lãnh đạo, chỉ đạo sứ mệnh cao cả ấy? Có thể khẳng định, không thể ai khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh của chúng ta, mà tới năm 2030 này vừa tròn tuổi bách niên!
Hà Nội, những ngày hướng về kỷ niệm 94 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
(3/2/1930 - 3/2/2024)