Trong 2 đêm 7 và 10/4, PV Báo CAND theo Đội CSGT đường bộ số 1 thuộc Phòng CSGT Công an Quảng Trị, ghi nhận việc tuân thủ Luật Giao thông đường bộ của người tham gia giao thông trên nhiều tuyến đường. Trên tuyến quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh, nếu như đêm 7/4, qua hơn 4 giờ đồng hồ, Đội CSGT đường bộ số 1 phát hiện, xử lý 8 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, trong đó 3 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 2 trường hợp không có giấy phép lái xe (GPLX), 3 trường hợp chủ phương tiện giao xe cho người không đủ điều kiện tham gia giao thông. Đến đêm 10/4, cũng trên tuyến đường này, tình trạng vi phạm giảm hẳn.
Qua 2 giờ tuần tra, kiểm soát, lực lượng CSGT chỉ phát hiện một vài trường hợp điều khiển xe môtô tham gia giao thông nhưng… quên mang theo giấy tờ xe. “Đối với lỗi này, chúng tôi tạo điều kiện để người nhà mang giấy tờ đến để kiểm tra và nhắc nhở”, một cán bộ Đội CSGT số 1 cho biết.
Trong quá trình tuần tra, kiểm soát, xử lý người vi phạm, bên cạnh thực hiện nghiêm điều lệnh CAND và quy trình nghiệp vụ, các CBCS của Đội còn rất chú trọng công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân, luôn nhắc nhở bà con: “Đã uống rượu, bia không lái xe”. Theo ghi nhận của PV, hầu hết người tham gia giao thông đều chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ.
CSGT Công an tỉnh Quảng Trị xử lý vi phạm kết hợp tuyên truyền, giáo dục người dân nâng cao ý thức khi tham gia giao thông.
Chị Nguyễn Thị Thơm, trú phường Đông Lương, TP Đông Hà (Quảng Trị) điều khiển xe ôtô BKS 74K-045.64 tâm sự: “Mình công tác bên ngành tuyên giáo. Trước đây, khi đi làm công tác nắm bắt tình hình ở cơ sở, gặp gỡ người dân nên thỉnh thoảng có giao lưu uống một vài ly bia. Tuy nhiên, kể từ khi pháp luật có quy định “Đã uống rượu, bia không lái xe”, mình tuyệt đối chấp hành”.
Ông Lê Mậu Nam, 47 tuổi, trú xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ (Quảng Trị), khi được hỏi về chiến dịch xử phạt vi phạm nồng độ cồn của lực lượng CSGT, không chỉ tỏ ra đồng tình mà còn hưởng ứng rất cao. “Tôi hoàn toàn đồng tình và ủng hộ cao. Rượu, bia không xấu nhưng nó tốt chỉ khi người dùng sử dụng ở mức độ vừa phải có lợi cho sức khỏe, đồng thời khi đã sử dụng thì không được lái xe, bởi những bất trắc, rủi ro không lường trước được. Ngoài ra, rủi ro không chỉ gây ra cho riêng mình mà oan ức cho những người khác. Rượu, bia quá đà còn gây ra vô số hậu quả khác”, ông Nam nói.
Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp thích theo thói quen ăn, uống cũ, đồng thời có những suy nghĩ bảo thủ, không chịu lắng nghe để thay đổi và thường chủ quan, không tuân thủ pháp luật. Trong đó, đa số là người dân ở các vùng thôn quê lên thành phố lao động, làm chủ yếu nghề thợ nề.
Tầm 20h đêm 7/4, trên tuyến quốc lộ 1 - đoạn qua địa bàn phường Đông Lương, thị xã Đông Hà, Đội CSGT đường bộ số 1, Phòng CSGT Công an Quảng Trị phát hiện tốp 4-5 xe môtô chạy sát nhau, có dấu hiệu tốc độ nhanh, chậm không bình thường, tay lái không vững. Khi dừng xe kiểm tra, những người này cho biết buổi chiều sau khi xong việc, họ được chủ nhà mời uống vài ly nên về muộn. Ban đầu, khi được các CBCS giải thích sự nguy hiểm do rượu, bia gây ra khi lái xe, họ đều tỏ ra lắng nghe và thành khẩn. Song, khi yêu cầu ký vào biên bản vi phạm, họ liền trở ngược thái độ và nói lời xấc xược.
Trung tá Trần Đăng Tú, Phó đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 1, cho biết: “CBCS CSGT rất vất vả khi tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn. Có không ít trường hợp manh động đâm thẳng xe vào chốt của lực lượng nhằm chạy trốn. Có những trường hợp đối phó bằng cách dắt xe môtô đi qua chốt, hoặc khi phát hiện lực lượng là chạy vào các nhà dân ở gần đó”. Song, với tinh thần kiên quyết xử lý, các anh luôn bố trí các tổ trinh sát để quan sát, ghi lại những hình ảnh, hành vi này nhằm xử phạt mang tính thuyết phục. Cùng với đó, các anh tiếp tục phổ biến, tuyên truyền, giáo dục người dân nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, nhất là khi đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Thượng tá Lê Việt Hùng, Phó Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Công an và lãnh đạo Công an tỉnh, Phòng CSGT đã ban hành kế hoạch cụ thể nhằm huy động tối đa lực lượng CBCS, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để tuần tra kiểm soát nhằm phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ nói chung, vi phạm nồng độ cồn nói riêng.
Qua một tháng chủ trì, phối hợp với các đơn vị Phòng Cảnh sát bảo vệ, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh (do cán bộ thuộc Phòng CSGT làm tổ trưởng), kể từ 6/3 đến 6/4, lực lượng (với hơn 1.100 lượt tổ tuần tra, kiểm soát, gần 5.000 lượt CBCS tham gia) đã phát hiện gần 3.200 trường hợp vi phạm, phạt tiền gần 9 tỉ đồng, tước GPLX, bằng, chứng chỉ chuyên môn hơn 1.200 trường hợp. Tổng số phương tiện bị tạm giữ 57 xe ôtô, 1.043 xe môtô. Trong đó có 942 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (47 xe ôtô, 895 xe môtô), phạt tiền gần 3,8 tỉ đồng, tạm giữ 942 phương tiện, tước GPLX 601 trường hợp.