Xử lý tranh chấp hợp đồng đối tác công tư bằng trọng tài thương mại 

(ĐCSVN) – Ưu tiên xử lý tranh chấp mô hình đối tác công – tư (PPP) bằng hình thức trọng tài thương mại, hòa giải thương mại là lựa chọn hiệu quả, giảm khả năng các tranh chấp PPP bị đẩy thành các vụ kiện về đầu tư theo các hiệp định bảo hộ đầu tư hoặc các hiệp định thương mại mới.

 

Hình ảnh tại hội thảo. (Ảnh: M.P)

Đó là đánh giá của ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Hội thảo Phòng ngừa và giải quyết tranh chấp hợp đồng đối tác công tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với VCCI tổ chức sáng nay (4/7) tại Hà Nội.

Theo ông Phòng, việc VCCI cùng với VIAC (tổ chức trọng tài bên cạnh VCCI) hợp tác cùng KCAB (tổ chức trọng tài duy nhất của Hàn Quốc) để tổ chức ra hội thảo chuyên sâu về lĩnh vực giải quyết tranh chấp thương mại và phòng ngừa leo thang thành các vụ kiện phát sinh từ hoạt động đầu tư công theo hình thức PPP đang được xã hội rất quan tâm hiện nay chính là cụ thể hóa nỗ lực và hướng đi của VCCI.

Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh do đó nhu cầu về phát triển cơ sở hạ tầng sẽ tiếp tục cần nhiều nguồn lực trong thời gian tới và mô hình hợp tác công tư được đánh giá là nguồn thu hút vốn đầu tư từ xã hội vào phát triển cơ sở hạ tầng.

“Khi Việt Nam không còn là quốc gia nghèo đói, cơ cấu các nguồn vốn vay cũng thay đổi, các khoản vay ưu đãi ít đi và các khoản vay thương mại nhiều hơn. Trong bối cảnh ngân sách nhà nước có hạn, nợ công và nợ nước ngoài đã gần chạm ngưỡng an toàn, điều kiện cho vay của các tổ chức quốc tế kém ưu đãi hơn, nhất là đối với vốn ODA, thì việc huy động nguồn lực từ xã hội là một giải pháp cần thiết và tất yếu”, ông Phòng nhận định.

Theo số liệu từ Chính phủ khi tổng kết về tình hình thực hiện dự án PPP, tính đến thời điểm tháng 1 năm 2019 đã có 336 dự án PPP đã ký kết hợp đồng (trong đó, 140 dự án BOT, 188 dự án BT và 08 dự án khác).

Ông Hoàng Quang Phòng cho biết thêm, Chính phủ cũng đang dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) dự kiến sẽ trình ra Quốc hội thảo luận tại kỳ họp tháng 10 năm 2019. Đây là khung khổ pháp lý hết sức quan trọng để thúc đẩy hơn nữa dòng vốn đầu tư của tư nhân vào phát triển hạ tầng. Ưu tiên xử lý tranh chấp PPP bằng hình thức trọng tài thương mại, hòa giải thương mại là lựa chọn hiệu quả giảm khả năng các tranh chấp PPP bị đẩy thành các vụ kiện về đầu tư  theo các hiệp định bảo hộ đầu tư hoặc các hiệp định thương mại mới.

“Nếu chúng ta có cách tiếp cận giải quyết tranh chấp khi xử lý trong từng vụ việc hay xây dựng khung khổ chính sách là hành động rất cụ thể và có ý nghĩa để xây dựng quan hệ PPP bền chặt qua đó tạo dựng niềm tin cho nhà đầu tư để thu hút mạnh mẽ hơn nữa sự tham gia của tư nhân”, ông  Hoàng Quang Phòng đánh giá.

Tại hội thảo các đại biểu cùng thảo luận về một số thông tin pháp lý và triển vọng của mô hình PPP trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng tại Việt Nam; vấn đề giải quyết tranh chấp hợp đồng và phòng ngừa tranh chấp đầu tư tại các dự án PPP kết cấu hạ tầng bằng trọng tài thương mại và hòa giải thương mại.

Theo ông Phạm Duy Nghĩa, trọng tài viên Trung tâm trọng tài Quốc tế tại Việt Nam cho rằng, về bản chất mối quan hệ công – tư trong mô hình hợp tác này vẫn có một số yếu tố tiềm ẩn rủi ro cho cả phía nhà nước và cả phía nhà đầu tư. Cụ thể về rủi ro pháp luật thay đổi trong Luật Đầu tư, đầu tư công, đất đai, ngân sách, xây dựng, môi trường; rủi ro về các cơ chế quản lý, giám sát, định giá các dự án BOT, BT; rủi ro về tài chính, thuế… Ồng Phạm Duy Nghĩa cũng nêu ra các phương thức mà luật pháp cũng như các Hiệp định bảo hộ đầu tư, Hiệp đình thương mại mà Việt Nam tham gia đã cung cấp cho khối tư nhân để bảo vệ khoản đầu tư khi có tranh chấp; những ưu điểm của các phương thức dân sự/thương mại và phương thức đối thoại (hòa giải), giúp giảm thiểu căng thẳng, tránh nguy cơ tạo ra các vụ kiện chính phủ.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cũng đồng tình với quan điểm của về tính ưu việt của hòa giải thương mại tại Việt Nam và cho rằng Chính phủ cũng đang tiếp cận theo hướng nỗ lực xử lý ngay, dứt điểm các tranh chấp phát sinh ở cấp độ hợp đồng (dân sự/thương mại) và xử lý tranh chấp thông qua đối thoại, tránh nguy cơ leo thang thành tranh chấp đầu tư, tạo môi trường kinh doanh ổn định./.

Minh Phương

346 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1055
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1055
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87148171