Đó là ý kiến chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Trương Hòa Bình tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện chương trình phối hợp về “Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đối với cán bộ, công nhân, viên chức lao động” (giai đoạn 2014 – 2018) và ký chương trình phối hợp trong thời gian tới do Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức ngày 19/3 tại Hà Nội.
Cùng dự còn có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể.
Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường, các hoạt động đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong CNVCLĐ đặc biệt là hoạt động tuyên truyền được các cấp công đoàn tiến hành thường xuyên, liên tục, dưới nhiều hình thức đa dạng với nội dung sinh động, phong phú, nhằm hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông, góp phần bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của đoàn viên, người lao động – nguồn tài sản quý giá của mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Tổng Liên đoàn đã chỉ đạo LĐLĐ các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với Ban An toàn giao thông địa phương ký kết chương trình, kế hoạch phối hợp với nội dung cụ thể phù hợp với đặc điểm địa bàn; triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện; tổ chức hơn 120 nghìn cuộc tuyên truyền, vận động CNVCLĐ thực hiện tốt các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông; đưa nội dung chấp hành pháp luật an toàn giao thông vào tiêu chuẩn xét thi đua cho cá nhân, tập thể, xét công nhận công đoàn cơ sở vững mạnh, phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa.
Trao bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong CNVCLĐ giai đoạn 2014 - 2018 - Ảnh: Minh Châu
Qua đó, tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ về chấp hành pháp luật an toàn giao thông, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông, từng bước xây dựng văn hóa giao thông trong đội ngũ đoàn viên, người lao động.
Ghi nhận và biểu dương những kết quả hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam đạt được thời gian qua trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đã có nhiều chuyển biến tích cực. Liên tục từ năm 2012 đến hết năm 2018 tai nạn giao thông đã được kéo giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Trong 2 tháng đầu năm 2019 tai nạn giao thông tiếp tục được kéo giảm, toàn quốc xảy ra 2.822 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.356 người, bị thương 2.169 người. So với cùng kỳ năm 2018, số vụ tai nạn giao thông giảm 523 vụ (-15,64%), giảm 150 người chết (-9,96%) và giảm 348 người bị thương (-13,83%).
Nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, vận động về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đối với cán bộ, CNVCLĐ, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ yêu cầu Tổng LĐ và Bộ Giao thông vận tải cần đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tổ chức quán triệt sâu sắc đến cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ gương mẫu thực hiện, tích cực vận động gia đình và người thân chấp hành nghiêm túc các quy định về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; đưa tiêu chí việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông là một tiêu chuẩn đánh giá kết quả công tác hàng năm của các cơ quan, đơn vị và cán bộ, CNVCLĐ; động viên, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân làm tốt, đấu tranh phê phán các hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong các cấp công đoàn; phê phán, đấu tranh với những người có hành vi vi phạm; nêu gương người tốt, việc tốt trong việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông; tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông”, các cấp công đoàn trong cả nước chủ động xây dựng kế hoạch triển khai công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông; tham gia tích cực và có trách nhiệm trong công tác phối kết hợp kiểm tra, kiểm soát hành vi vi phạm pháp luật về giao thông; nghiêm cấm cán bộ, công chức đoàn viên công đoàn can thiệp vào việc xử phạt vi phạm; xử lý nghiêm đối với cán bộ, đoàn viên công đoàn vi phạm trật tự, an toàn giao thông....
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chứng kiến lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia ký chương trình phối hợp giai đoạn 2019 – 2024 - Ảnh: Minh Châu
Chương trình phối hợp giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia giai đoạn 2019 – 2024 cũng hướng đến phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về trật tự an toàn giao thông; phổ biến pháp luật giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường hàng không đến người lao động tại các khu, cụm công nghiệp trong cả nước; nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông và hướng dẫn các kỹ năng điều khiển xe an toàn cho người lao động; các biện pháp phòng tránh tai nạn giao thông; phổ biến những kinh nghiệm, mô hình hay, biểu dương những tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; phê phán những hiện tượng tiêu cực, hành vi vi phạm khi tham gia giao thông.
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chỉ đạo Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đưa, đón, vận chuyển công nhân lao động; tổ chức giảm giá vé xe buýt (theo tuyến, lộ trình) tại các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất có đông công nhân lao động...
Dịp này, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã trao Bằng khen cho 10 tập thể và 4 cá nhân của hai cơ quan vì có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong CNVCLĐ giai đoạn 2014 - 2018./.
Minh Châu