Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn sáng 31/10 (Ảnh: KT)
Giải pháp đột phá đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Cuối giờ chiều qua, đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP Hồ Chí Minh) chất vấn về giải pháp nào thật sự đột phá của Chính phủ trong chính sách đào tạo nghề, bảo vệ người lao động nông thôn không bị yếu thế ngay tại sân nhà.
Câu hỏi của đại biểu đã được Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung trả lời trong phiên họp sáng nay (31/10).
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho hay, tại phiên chất vấn kỳ họp Quốc hội trước đã báo cáo vấn đề này.
Theo người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH, để tạo sự đột phá thì đào tạo phải gắn với 2 trục xoay: tái cơ cấu nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Theo đó, cần triển khai đồng bộ 6 nhóm giải pháp mà Chính phủ đã đề ra. Trong đó, chú trọng tăng cường gắn kết đào tạo nghề với doanh nghiệp; huy động sự tham gia của doanh nghiệp vào tất cả các khâu từ: dự báo, xác định nhu cầu đào tạo, quy mô, cơ cấu, chuyển mạnh sang đào tạo theo đầu ra, sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ, đào tạo gắn sử dụng một cách có hiệu quả, gắn với thị trường để đảm bảo có thị trường tiêu thụ bền vững, hạn chế tối đa giải cứu.
Bên cạnh đó, Bộ LĐTBXH cũng tập trung nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng bài bản hơn, từng bước hình thành lực lượng lao động hiện đại, ngoài kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp còn phải đảm bảo các tiêu chuẩn khác như: kiến thức thị trường, kiến thức hội nhập, tác phong công nghiệp...
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, cuối năm nay, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị toàn quốc về đào tạo nghề nông thôn. “Chúng tôi xin được lấy ý kiến của các vị đại biểu là một trong gợi ý để hội nghị thảo luận tập trung vấn đề này” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Sau phần trả lời, ĐBQH Tô Thị Bích Châu bày tỏ “với thời gian 3 phút thì Bộ trưởng khó trả lời rõ ràng, nhưng tôi vẫn chưa hài lòng với câu trả lời của Bộ trưởng”. Bởi lẽ, chúng ta vẫn cứ loay hoay xung quanh đối với tổ chức lao động lại cho người lao động ở nông thôn. Đại biểu cũng nhấn mạnh, hiện nay, lao động ở nông thôn đa phần là người già, trung niên, trẻ em, trong khi công nghệ ngày càng phát triển nên việc thất nghiệp ngay tại mảnh đất của mình vẫn diễn ra hàng ngày.
Làm sao ngăn trục lợi chính sách?
Chất vấn tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) nêu vấn đề: Vừa qua chúng ta đã ban hành các chính sách về an sinh xã hội ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, hỗ trợ người nghèo, nhưng có đối tượng lợi dụng, trục lợi chính sách. Thời gian tới, Chính phủ có giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên?
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh thời gian tới sẽ tập trung 3 vấn đề lớn. Trước hết, tập trung xây dựng các thể chế chính sách. Đặc biệt quan tâm tích hợp các chính sách, đảm bảo làm sao các chính sách được thực thi một cách đồng bộ, rõ ràng, và khả thi.
Bên cạnh đó là chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách. Công khai, minh bạch các chính sách trong nhân dân, để nhân dân theo dõi, giám sát cũng như tổ chức thực hiện.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng khẳng định sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, đặc biệt, sẽ xử lý nghiêm tất cả các vi phạm trong quá trình thực hiện các chính sách an sinh xã hội./.