XỬ LÝ MỘT SỐ VƯỚNG MẮC CỦA PHÁP LUẬT VỀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI – TỪ THỰC TIỄN CÔNG TÁC  

Khiếu nại là một trong những quyền cơ bản của công dân đã được ghi nhận tại Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.” Luật Khiếu nại năm 2011 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 2 ngày 11/11/2011, đã tạo khung pháp lý quan trọng để đảm bảo thực hiện quy định của Hiến pháp về quyền khiếu nại cũng như trách nhiệm giải quyết khiếu nại của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, góp phần phát huy dân chủ, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Hội nghị tập huấn pháp luật về công tác thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo (Ảnh: Anh Thành)

Công tác giải quyết khiếu nại thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, cơ bản đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật; đặc biệt, công tác đối thoại đã được phát huy, áp dụng thiết thực, góp phần giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài.

Thực tiễn áp dụng các quy định của Luật Khiếu nại và các văn bản hướng dẫn thi hành cho thấy, quá trình giải quyết khiếu nại vẫn còn một số bất cập, vướng mắc mà pháp luật chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể; dẫn đến khó khăn và thiếu thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện. Trong khuôn khổ bài viết, tác giả xin đề cập đến một số bất cập, vướng mắc trong quá trình thụ lý, giải quyết khiếu nại hành chính và kiến nghị nhằm góp phần hoàn thiện pháp luật về khiếu nại.

Thứ nhất, trường hợp công dân khiếu nại thông báo chuyển đơn, phiếu hướng dẫn gửi đơn của cơ quan có thẩm quyền.

Tại Khoản 1 Điều 8; Khoản 1 Điều 14 và Khoản 2 Điều 21, Thông tư số 07/2014/TT-TTCP, ngày 31/10/2014 của Thanh tra Chính phủ về Quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh quy định: Khi nhận được đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình thì người xử lý đơn hướng dẫn hoặc chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền để xem xét giải quyết.

Như vậy, sau khi tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo và kiến nghị, phản ánh không thuộc thẩm quyền của Công an nhân dân, các đơn vị sẽ chuyển đơn hoặc hướng dẫn công dân liên hệ đến cơ quan có thẩm quyền để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, một số trường hợp, công dân không đồng ý việc hướng dẫn hoặc thông báo chuyển đơn của cơ quan có thẩm quyền, dẫn đến phát sinh khiếu nại phiếu thông báo chuyển đơn hoặc phiếu hướng dẫn gửi đơn. Một số trường hợp, do nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ quy định của pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại nên xử lý vụ việc còn lúng túng, thiếu chính xác. Pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có quy định cụ thể xử lý khiếu nại trong trường hợp này, vì vậy, việc xử lý còn thiếu thống nhất.

Căn cứ quy định của pháp luật nêu trên, thấy rằng, việc cơ quan tiếp nhận khiếu nại, tố cáo và kiến nghị, phản ánh trong trường hợp này chỉ làm nhiệm vụ hướng dẫn hoặc chuyển đơn của người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến cơ quan có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết. Việc hướng dẫn hoặc chuyển đơn không xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Do đó, việc người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh khi nhận được thông báo chuyển đơn, phiếu hướng dẫn gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết mà khiếu nại thì cơ quan tiếp nhận đơn không thụ lý giải quyết theo trình tự, thủ tục của pháp luật về giải quyết khiếu nại. Trường hợp khiếu nại thông báo chuyển đơn, hướng dẫn gửi đơn đã được cơ quan thụ lý giải quyết theo trình tự, thủ tục của pháp luật khiếu nại thì người có thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết khiếu nại xem xét dừng giải quyết vụ việc và thông báo cho người khiếu nại biết lý do khiếu nại không được tiếp tục giải quyết.

Thứ hai, trường hợp người khiếu nại không hợp tác, gây khó khăn trong quá trình thụ lý, giải quyết khiếu nại.

Theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 12, Luật Khiếu nại, người khiếu nại có nghĩa vụ trình bày trung thực sự việc, đưa ra chứng cứ về tính đúng đắn, hợp lý của việc khiếu nại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp thông tin, tài liệu đó. Như vậy, việc người khiếu nại hợp tác với cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại để trình bày, cung cấp các thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc khiếu nại là nghĩa vụ bắt buộc theo quy định trong quá trình thụ lý, giải quyết khiếu nại nhằm đảm bảo tính khách quan, dân chủ, công bằng và kịp thời (nguyên tắc khiếu nại và giải quyết khiếu nại quy định tại Điều 4 của Luật Khiếu nại).

Tuy nhiên, quá trình giải quyết vụ việc, phát sinh trường hợp người khiếu nại từ chối làm việc hoặc không cung cấp các tài liệu, thông tin cho cơ quan chức năng; không nhận giấy mời, từ chối ký vào biên bản làm việc…Từ việc người khiếu nại không thực hiện nghĩa vụ của mình trong các trường hợp nêu trên; dẫn đến, cơ quan có thẩm quyền không đủ cơ sở để giải quyết khiếu nại đảm bảo khách quan, toàn diện. Pháp luật hiện hành chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về xử lý khiếu nại trong trường hợp nêu trên, nên quá trình thụ lý, giải quyết khiếu nại gặp nhiều khó khăn, thiếu thống nhất.

Đối với vướng mắc nêu trên, từ thực tiễn xử lý, giải quyết khiếu nại hành chính, trên cơ sở vận dụng văn bản hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ và ý kiến tư vấn của cơ quan chuyên môn, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại cần xử lý, giải quyết theo hướng như sau:

- Trường hợp mời người khiếu nại đến để làm việc, cung cấp thêm thông tin, tài liệu, chứng cứ để có cơ sở đề xuất thụ lý mà người khiếu nại cố tình không đến và không cung cấp theo yêu cầu thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại không thụ lý giải quyết nếu đó là yếu tố bắt buộc để xác định khiếu nại không thuộc vào một trong các trường hợp được quy định tại Điều 11 của Luật Khiếu nại (các trường hợp khiếu nại không thụ lý giải quyết).

- Trường hợp người khiếu nại không hợp tác trong quá trình giải quyết khiếu nại như không đến làm việc theo giấy mời, không nhận giấy mời, từ chối ký vào biên bản làm việc, không cung cấp các thông tin, tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu và có các hành vi không hợp tác khác thì cơ quan có thẩm quyền cần có văn bản yêu cầu người khiếu nại hợp tác phục vụ việc giải quyết khiếu nại, trong đó nêu rõ nghĩa vụ, trách nhiệm và hậu quả pháp lý nếu người khiếu nại không thực hiện.

 Sau khi đã gửi văn bản yêu cầu nêu trên, nếu người khiếu nại vẫn không hợp tác, dẫn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại không đủ cơ sở để giải quyết đảm bảo chính xác, khách quan thì xem xét tạm dừng việc giải quyết khiếu nại; đồng thời, có văn bản thông báo cho người khiếu nại biết, trong đó nêu rõ lý do. Thời hạn tạm dừng có thể được tính đến hết thời hiệu khiếu nại theo quy định tại Điều 9 của Luật Khiếu nại. Nếu hết thời hiệu khiếu nại mà người khiếu nại vẫn không hợp tác trong việc cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu thì cơ quan có thẩm quyền xem xét việc dừng giải quyết khiếu nại và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, đồng thời nêu rõ lý do; quyền khiếu nại tiếp hoặc khởi kiện vụ án hành chính theo quy định của pháp luật.

- Trường hợp người khiếu nại lần hai vắng mặt hoặc không cử người đại diện hợp pháp tham gia đối thoại trong giải quyết khiếu nại nếu đã có văn bản thông báo đến lần thứ hai thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai lập biên bản chấm dứt việc đối thoại và tiếp tục quá trình giải quyết khiếu nại theo quy định của Luật Khiếu nại năm 2011, Nghị định số 124/2020/NĐ-CP, ngày 19/10/2020 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại, Thông tư số 11/2015/TT-BCA, ngày 02/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Công an Quy định Quy trình giải quyết khiếu nại trong Công an nhân dân (áp dụng đối với trường hợp giải quyết khiếu nại trong Công an nhân dân).

Thứ ba, về việc đình chỉ giải quyết khiếu nại.

Theo quy định tại Điều 10, Luật Khiếu nại, người khiếu nại có thể rút khiếu nại tại bất cứ thời điểm nào trong quá trình khiếu nại và giải quyết khiếu nại; việc rút khiếu nại phải được thực hiện bằng đơn có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại; đơn xin rút khiếu nại phải gửi đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại khi nhận được đơn xin rút khiếu nại thì đình chỉ việc giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại về việc đình chỉ giải quyết khiếu nại.

Như vậy, theo quy định nêu trên, khi có đơn rút khiếu nại thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải ban hành quyết định đình chỉ việc giải quyết khiếu nại (kể cả vụ việc khiếu nại chưa được thụ lý giải quyết; không được dùng công văn hay bất cứ hình thức khác để thay cho quyết định đình chỉ giải quyết khiếu nại); đồng thời thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại biết (gửi quyết định đình chỉ hoặc thông báo về việc đình chỉ cho người khiếu nại).

Từ thực tiễn giải quyết khiếu nại trong thời gian qua, cá nhân, cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại nghiên cứu, tham khảo, đảm bảo phục vụ hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại trong thời gian tới./. Ngọc Cư (Công an tỉnh)

6054 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Thông tin hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 786
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 786
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87016375