Xử lý dứt điểm vướng mắc vật liệu thi công cao tốc 

(ĐCSVN) – Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Giám đốc các Ban Quản lý dự án phải trực tiếp chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vướng mắc về nguồn vật liệu đắp, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, không gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công Dự án cao tốc Bắc – Nam.

 

 Nhiều đoạn thuộc Dự án xây dựng cao tốc Bắc - Nam phải tạm dừng thi công do tình trạng thiếu vật liệu xây dựng. (Ảnh: KC)

Ngày 23/8, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ban hành Thông báo số 340/TB-BGTVT thông báo kết luận của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại cuộc họp trực tuyến kiểm điểm tiến độ Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Theo đó, đối với Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Giám đốc các Ban Quản lý dự án phải trực tiếp chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vướng mắc về nguồn vật liệu đắp, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, không gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Nếu vượt thẩm quyền phải kịp thời có phương án xử lý, báo cáo các Thứ trưởng phụ trách để xem xét, giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền.

Đối với các dự án thành phần Cam Lộ - La Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là 4 dự án bắt buộc phải cơ bản hoàn thành trong năm 2022 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, yêu cầu Giám đốc các Ban Quản lý dự án: 7, Thăng Long, đường Hồ Chí Minh phải tập trung giải quyết, xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, chỉ đạo nhà thầu tăng cường máy móc, nhân lực, các mũi thi công đẩy nhanh tiến độ thi công để quyết tâm hoàn thành trong năm 2022 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh, kiên quyết xử lý nghiêm các nhà thầu yếu kém theo đúng quy định của Hợp đồng và quy định pháp luật và xem xét không cho tham gia các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 và các dự án khác do Bộ GTVT quản lý đối với các nhà thầu vi phạm Hợp đồng để ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng của Dự án.

Để đáp ứng tiến độ nói trên, Bộ trưởng yêu cầu Giám đốc các ban quản lý dự án phải tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tiến độ nghiệm thu, thanh toán; làm việc với các nhà thầu và các cơ quan liên quan thường xuyên rà soát, kiểm tra và có giải pháp kịp thời để dòng tiền của dự án được sử dụng đúng mục đích phục vụ thi công công trình (nếu xảy ra).

Các ban quản lý dự án phải lập lại tiến độ thi công chi tiết các công việc cần thực hiện, xác định đường găng tiến độ để tập trung giải quyết và phân công cán bộ có năng lực, kinh nghiệm theo dõi, xử lý dứt điểm, bảo đảm hoàn thành các dự án đúng tiến độ.

Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể còn chỉ đạo Ban quản lý dự án Mỹ Thuận làm việc với các địa phương để giải quyết dứt điểm các tồn tại về giải phóng mặt bằng và nguồn cát còn thiếu cho Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ trong tháng 8/2022.

Cục Quản lý xây dựng, Vụ Kế hoạch - Đầu tư được giao theo dõi, thống kê và phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ căn cứ kết quả thực hiện để xem xét đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của lãnh đạo các Ban Quản lý dự án; trong đó lưu ý cần nghiêm khắc xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ.Đối với Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2, Bộ trưởng yêu cầu Giám đốc các Ban quản lý dự án khẩn trương làm việc với các địa phương liên quan để khảo sát, điều tra vị trí, trữ lượng, chất lượng các mỏ vật liệu xây dựng, bãi đổ thải bảo đảm đáp ứng yêu cầu của Dự án. Trường hợp nếu để xảy ra tình trạng thiếu vật liệu (đất, cát) như giai đoạn 1, Bộ GTVT sẽ xem xét xử lý trách nhiệm của Giám đốc Ban.

Các ban quản lý dự án phải tập trung thực hiện các công tác khảo sát bảo đảm đáp ứng yêu cầu thiết kế; tổ chức lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán... bám sát các mốc tiến độ đã được Cục QLXD thống nhất (hoàn thành phê duyệt thiết kế kỹ thuật trước ngày 30/10/2022, hoàn thành phê duyệt dự toán trước ngày 10/11/2022).

Trong đó, đặc biệt lưu ý một số dự án thành phần có khối lượng thực hiện công tác khảo sát địa chất chưa đạt 50%, yêu cầu khẩn trương có các giải pháp hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thực hiện đáp ứng các mốc hoàn thành công tác lập, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán.

Ban quản lý dự án Mỹ Thuận tiếp tục làm việc với UBND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng và các địa phương liên quan khẩn trương khảo sát, xác định vị trí, trữ lượng các mỏ cát đáp ứng nhu cầu của Dự án./.

 
KC
191 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1323
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1323
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87149277