Điểm cầu chính của Hội nghị diễn ra tại trụ sở Bộ Tài chính ở Hà Nội và kết nối các điểm cầu ở các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Hình ảnh Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội (Ảnh: HNV)
Năm 2018, chủ động trong điều hành thu – chi ngân sách nhà nước
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã tập trung chỉ đạo triển khai tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước năm 2018; chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và chính quyền địa phương làm tốt công tác quản lý thu, chú trọng khai thác nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế; đẩy mạnh chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại; quyết liệt xử lý nợ thuế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế,...
Nhờ đó, năm 2018 thu ngân sách vượt so với dự toán với tỷ lệ khá cao so với nhiều năm gần đây. Đến hết 31/12/2018, thu cân đối ngân sách Nhà nước ước đạt 1.422,7 nghìn tỷ đồng, vượt 103,5 nghìn tỷ đồng (+7,8%) so dự toán (trong đó, thu ngân sách Trung ương vượt 4,3%, thu ngân sách địa phương vượt 12,5% so dự toán), tăng 64,3 nghìn tỷ đồng so báo cáo Quốc hội, tỷ lệ động viên đạt 25,7%GDP, riêng thuế và phí đạt 21,1% GDP (mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020 tương ứng là 23,5%GDP và 21%GDP).
Bộ trưởng cũng cho biết, công tác điều hành chi ngân sách Nhà nước được thực hiện chủ động, tích cực, với phương châm chặt chẽ, tiết kiệm xuyên suốt từ khâu phân bổ dự toán cho đến quá trình thực hiện. Các bộ, ngành và địa phương đã chủ động rà soát, sắp xếp, thực hiện chi, gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; thực hiện mua sắm tài sản công theo đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.
Các nhiệm vụ chi ngân sách cũng được đảm bảo theo dự toán, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ kinh tế, chính trị của các đơn vị sử dụng ngân sách và có thêm nguồn lực xử lý kịp thời các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách phát sinh về đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh.
Cơ cấu chi ngân sách chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt trên 27% (mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020, chi thường xuyên dưới 62% tổng chi ngân sách Nhà nước. Dự phòng ngân sách các cấp được sử dụng đúng mục đích, đúng quy định; trong đó, ngân sách Trung ương đã sử dụng trên 2,5 nghìn tỷ đồng dự phòng để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão, lụt, hỗ trợ giống khôi phục sản xuất sau thiên tai. Bên cạnh đó, đã xuất cấp trên 122,4 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu đói, cứu trợ cho nhân dân, hỗ trợ học sinh vùng khó khăn.
Riêng công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản nguồn ngân sách Nhà nước, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận vẫn chậm chuyển biến. Ước tính đến 31/12/2018, vốn giải ngân mới đạt 67,6% dự toán (cùng kỳ năm 2017 đạt 70,7% dự toán), trong đó vốn ngoài nước đạt 39,6%, vốn trái phiếu Chính phủ đạt 40,4% dự toán.
Bội chi ngân sách Nhà nước năm 2018 ước dưới 3,6% GDP thực hiện (dự toán 3,7% GDP); nợ công dưới 61% GDP. Công tác quản lý nợ công có tiến bộ, thời hạn khoản vay được kéo dài, lãi suất theo xu hướng hạ thấp, hạn chế tác động của các rủi ro.
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, Bộ Tài chính thừa nhận còn phát sinh nhiều khó khăn, thách thức, tác động không thuận đến việc thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước. Cụ thể như như cơ cấu lại nền kinh tế và đầu tư công còn chậm; cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhiệm vụ xử lý những dự án trọng điểm thua lỗ của Nhà nước chuyển biến chưa rõ nét; giải ngân vốn đầu tư công chậm; nợ nước ngoài của quốc gia còn ở mức cao; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính chưa nghiêm; tình trạng thất thoát, lãng phí vẫn còn xảy ra tại một số cơ quan, đơn vị.
Bước sang năm 2019, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, ngành tài chính tiếp tục điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, phối hợp đồng bộ, linh hoạt với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển; thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngân sách Nhà nước đã đề ra; quyết liệt công tác thu ngân sách; quản lý, điều hành chi ngân sách theo dự toán, chặt chẽ, tiết kiệm.
Đồng thời, đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế. Tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế; xử lý nợ đọng thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu ngân sách Nhà nước.
Ngoài ra, tập trung hoàn thiện thể chế theo kế hoạch đã đề ra; thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính, hiện đại hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực tài chính, trọng tâm là lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc Nhà nước, góp phần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp.
Bộ Tài chính: Cần có một “bộ lọc” doanh nghiệp chuẩn
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: HNV)
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chúc mừng những kết quả của ngành tài chính đã đạt được trong năm 2018. “Ngoài tăng trưởng GDP đạt mức 7,08%, quy mô nền kinh tế đã đạt tới hơn 5 triệu tỷ đồng. Những thành tựu mà đất nước đã đạt được làm cho niềm tin, không khí phấn khởi tăng lên, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của đất nước. Sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, đã làm nên những thành tựu ấy, trong đó có sự đóng góp quan trọng của Bộ và ngành tài chính” – Thủ tướng khẳng định.
Cũng theo Thủ tướng, năm 2018, ngành tài chính đã đạt 6 kết quả nổi bật, trong đó đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương thực hiện các kế hoạch đề ra, trong đó có điều hành thu, chi ngân sách... Đặc biệt, công tác thu hồi và xử lý nợ đọng thuế, thu – chi ngân sách nhà nước được triển khai nghiêm túc hơn. Bội chi dưới 3,6% GDP, chi thường xuyên dưới 62%. Thêm vào đó, đã từng bước hoàn thiện thể chế. Việc cải cách hành chính ngành thuế, tài chính được triển khai tích cực, nhiều nghị định quan trọng đã được ban hành.
Nhân dịp này, Thủ tướng đã thẳng thắn chỉ ra 4 tồn tại, yếu kém của ngành tài chính mà trước hết là Bộ Tài chính phải khắc phục trong thời gian tới. Theo đó, phải tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, đăng ký kinh doanh. Đơn cử như vấn đề thuế tài sản xây dựng chưa cẩn thận, chưa truyền thông tốt cho người dân. Hay cắt giảm đăng ký kinh doanh chưa đạt, giải quyết thắc mắc, khó khăn của doanh nghiệp có nơi chưa thực chất và thiếu kịp thời.
Tiếp đến phải kể đến là, nền kinh tế có độ mở lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) dễ bị tổn thương, vì thế, phải có cơ chế để phát triển DNNVV và lộ trình khuyến khích thúc đẩy hộ kinh doanh lên doanh nghiệp, bằng các định chế tài chính, thuế, chế độ kế toán đơn giản, không để tình trạng “không chịu lớn”.
“Vẫn còn tình trạng thất thoát vốn trong các dự án đầu tư, vi phạm chế độ thu chi ngân sách, sử dụng tài sản công, tổ chức lễ hội, hội nghị... còn lãng phí. Giải ngân vốn đầu tư công còn thấp. Nhất là, đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử, của một bộ phận cán bộ công chức còn hạn chế. Tình trạng chung chi, nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ thuế, hải quan còn gây bức xúc dư luận” – Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra.
Thủ tướng yêu cầu, trong bối cảnh Chính phủ đang phải cải tiến, đạt chuẩn ASEAN, có chỗ đạt chuẩn OECD, do đó, phải có giải pháp xử lý các điểm “nghẽn” trong thủ tục hành chính. Đáng chú ý là, thanh tra tài chính phải làm đúng, sát chức trách, nhiệm vụ của một cơ quan thanh tra tài chính, chứ không phải là thanh tra nhà nước, cơ quan điều tra hay viện kiểm sát. Phải đảm bảo môi trường đầu tư, pháp luật tài chính cũng như tạo dựng các điều kiện tốt hơn đối với hệ thống doanh nghiệp. “Bộ Tài chính phải có bộ lọc chuẩn trong đánh giá doanh nghiệp để có những điều chỉnh hoạt động, hỗ trợ chính sách, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp phát triển, cống hiến vào sự phát triển vững mạnh chung của cả nền kinh tế” – Thủ tướng nói./.
Hà Anh