Xu hướng sử dụng công nghệ trong ngành bán lẻ hiện đại 

(Chinhphu.vn) - Ngành bán lẻ hiện đại cần sự kết nối với nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau. Chính vì vậy, để đáp ứng nhu cầu mới của khách hàng cần sự thuận tiện trong quá trình mua sắm thì việc chuyển đổi dần các nhà bán lẻ hiện đại thành các công ty công nghệ không phải là câu chuyện của tương lai.

 

Để thành công, những nhà bán lẻ hiện đại phải nắm bắt, cập nhập kịp thời quá trình thay đổi các hành vi tiêu dùng của khách hàng 

Đây là một chủ đề khá mới được các chuyên gia kinh tế, các nhà bán lẻ hiện đại bàn luận sôi nổi tại hội thảo quốc tế “Xu hướng bán lẻ thị trường Việt Nam 2018-2020 và định hướng phát triển của Saigon Co.op” diễn ra ngày 7/11 tại TPHCM.

Theo phân tích của bà Lê Thị Thùy Trang, Giám đốc/BP đối tác bán lẻ Nielsen Việt Nam, để thành công, những nhà bán lẻ hiện đại phải nắm bắt, cập nhập kịp thời quá trình thay đổi các hành vi tiêu dùng của khách hàng. Theo bà Trang, hiện nay, trong xu thế của thời đại, các nhà bán lẻ hiện đại trước khi đưa ra dịch vụ cần chú ý tới tính tiện lợi; sự cao cấp hóa các sản phẩm, dịch vụ; sự kết nối giữa nhà cung cấp dịch vụ và người tiêu dùng; các vấn đề về sức khoẻ…

Phân tích về vấn đề tiện lợi, bà Trang chỉ rõ, mức đô thị hóa hiện nay ở các nước phát triển rất cao, trong đó Việt Nam có tỉ lệ lên đến 30% nên sẽ làm tăng tỉ lệ các gia đình nhỏ. Do đó, nhu cầu mua sắm thường xuyên hơn và do 80% người phụ nữ tham gia nên vấn đề về tiết kiệm thời gian và sự tiện lợi lại càng được đặt lên hàng đầu.

Bên cạnh đó, để có thể đưa ra những sản phẩm, dịch vụ phù hợp, các nhà bán lẻ hiện đại phải luôn luôn cập nhật sự thay đổi nhu cầu hiện tại, đón, định hướng được nhu cầu tương lai của người tiêu dùng.

Ví dụ, định hướng được nhu cầu mua sắm của các thế hệ người tiêu dùng (thế hệ gen z từ 13-19 tuổi) đa số sẽ không dùng tiền mặt và rất cần sự đơn giản, nhanh chóng khi giao dịch hơn thế hệ người tiêu dùng (Millennials, từ 20-40 tuổi) để có những thay đổi trong dịch vụ, chất lượng, mẫu mã sản phẩm…

 

Toàn cảnh Hội thảo 

Ông Jason Moy, Giám đốc điều hành của Công ty Boston Consulting Group (BCG) Singapore cho rằng bán lẻ thế giới và bán lẻ Việt Nam đều thay đổi rất nhanh. Nhà bán lẻ cần tập trung vào tiếp thị số và các ứng dụng bán hàng online. Đây là xu hướng chung giúp nhanh chóng tiếp thị đến cho khách họ những cái họ muốn, làm cho những trải nghiệm dễ dàng hơn và thuận tiện hơn. Để nhấn mạnh cho vấn đề này, ông Jason Moy ví von sự biến đổi trong ngành bán lẻ nhanh như cấp số mũ. Sự biến chuyển về nhiều mặt như cơn lốc đã kéo theo nhiều tập đoàn phải đóng cửa vì không theo kịp nhưng ngược lại, sẽ tăng trưởng rất cao nếu như biết đón đầu nó.

Do vậy, ông Jason Moy cho rằng, để đáp ứng những yêu cầu trên, công nghệ sẽ là chiếc chìa khoá để các ngành kinh tế nói chung, trong đó có ngành bán lẻ mở cánh cửa tăng trưởng bền vững.

Theo đó, để chuyển đổi kỹ thuật số trong ngành bán lẻ, các doanh nghiệp bán lẻ cần thiết lập các giải pháp trên toàn công ty cho các thay đổi trong mô hình kinh doanh và giảm thời gian áp dụng, di chuyển và từ đó thay đổi trải nghiệm khách hàng. Lúc đó, khách hàng sẽ có thể tự phục vụ và hỗ trợ chương trình đổi mới.

Bên cạnh đó, ngày nay, những khách hàng hiện đại ngày càng tìm kiếm sự tiện lợi để tiết kiệm thời gian. Do đó, trải nghiệm mua sắm suôn sẻ mọi lúc mọi nơi chính là mong muốn của họ. Tối ưu hoá trải nghiệm của người tiêu dùng và các hoạt động của doanh nghiệp bằng cách cho phép khách hàng được truy cập liên tục các dữ liệu đa dạng của doanh nghiệp để có thể nắm bắt các sản phẩm, dịch vụ nhằm đáp ứng yêu cầu khách hàng một cách thuận lợi, tiết kiệm thời gian nhất.

Vì vậy, cần áp dụng công nghệ vào ngành bán lẻ để không chỉ giải quyết các vấn đề về logistics, tài chính, kiểm soát chất lượng mà cả quá trình thanh toán, phục vụ, tương tác với khách hàng

Cũng theo ông Jason Moy, trong vòng 15 năm qua, các tập đoàn bán lẻ trên thế giới thành công được như hôm nay vì họ đã biết liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành, giữa các doanh nghiệp liên quan để cùng phát triển. Mối quan hệ này sẽ khó “suôn sẻ” và minh bạch nếu như không có sự tham gia của công nghệ.

Đơn cử, việc thanh toán qua ngân hàng, liên kết giữa doanh nghiệp bán lẻ với doanh nghiệp Logistics, doanh nghiệp sản xuất… sẽ không thực hiện được trong thời đại 4.0 ngày nay nếu như doanh nghiệp bán lẻ của chúng ta vẫn sử dụng phương pháp quản trị cũ, thô sơ.

Ông Jason Moy chia sẻ, một số doanh nghiệp bán lẻ tại Anh, Mỹ, không chỉ phát triển về quy mô, chất lượng dịch vụ, sản phẩm mà những công ty bán lẻ này tập trung vào việc đầu tư công nghệ cho cả các lĩnh vực khác như kho bãi, kế toán, vận chuyển… là những lĩnh vực có liên quan trực tiếp tới bán lẻ của doanh nghiệp và họ cho rằng đồng bộ công nghệ về mọi mặt như vậy mới thực sự là phát triển chiều sâu và bền vững.

Việt Nam đang được đánh giá là một nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế khác cao trong khu vực với việc thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng mạnh. Điều này dẫn đến sức mua của người dân cũng gia tăng về số lượng và chất lượng hàng hoá.

Đặc điểm đáng lưu ý là Việt Nam đang được xem là một quốc gia đứng hàng đầu về kết nối interner. Trung bình hằng tuần, người Việt Nam dùng đến hơn 24 giờ để kết nối internet. Đây là một cơ hội tuyệt vời cho các nhà bán lẻ hiện đại bởi vì người tiêu dùng không còn là hành trình mua sắm đơn tuyến mà là mua sắm đa kênh. Vì vậy, nắm bắt cơ hội này, các nhà bán lẻ cần đầu tư công nghệ cho chuỗi cung ứng của mình để phục vụ cho phương án mua sắm đa kênh đó.

Cụ thể tại thị trường bán lẻ Việt Nam, mặc dù vẫn được đánh giá là nhà bán lẻ hàng tiêu dùng hàng đầu Việt Nam hiện nay với doanh số bán hàng trung bình mỗi năm gần gấp đôi so với nhà bán lẻ có thứ hạng kế cận nhưng ông Diệp Dũng, Chủ tịch HĐQT Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho biết, Saigon Co.op luôn xác định phải tập trung cao độ để đầu tư cho công nghệ thông tin, nguồn vốn, quản trị doanh nghiệp từ đó mới có thể giữ vững vị trí dẫn đầu trước áp lực cạnh tranh ngày càng lớn.

Theo đánh giá của Savills, thị bán lẻ Việt Nam được xem là khá ổn định trong vòng 3 năm tới. Chỉ riêng năm 2017, doanh số bán lẻ của Việt Nam đạt 129 tỷ USD, tăng mạnh 11% so với cùng kỳ năm ngoái, mức rất cao so với khu vực ASEAN.

Do đó, để phát triển thị phần, bên cạnh xây dựng tính chuyên nghiệp trong phân phối từ chuỗi cung ứng, khả năng quản trị, chiến lược phát triển đa dạng hóa nguồn hàng, các DN Việt cần chú trọng đầu tư cho công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bán lẻ Việt ngay tại “sân nhà”.

Minh Thi

738 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 568
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 568
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87227957