Xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng Quý I/2022 

(ĐCSVN) –Theo Tổng cục Thống kê, điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh (SXKD) hàng quý bao gồm 6.500 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và 6.802 doanh nghiệp ngành xây dựng được chọn mẫu điều tra, đại diện cho toàn ngành chế biến, chế tạo và xây dựng của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Tổng số doanh nghiệp trả lời trong kỳ điều tra quý I/2022 là 5.472 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 84,2% số doanh nghiệp được chọn mẫu điều tra) và 6.270 doanh nghiệp ngành xây dựng (chiếm 92,2% số doanh nghiệp được chọn mẫu điều tra). Báo cáo kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh gồm hai phần:

 Nguồn: Tổng cục Thống kê

“Phần I: Xu hướng SXKD ngành công nghiệp chế biến, chế tạo”, phản ánh nhận định của doanh nghiệp về: (1) Tổng quan chung hoạt động SXKD; (2) Biến động của các yếu tố đầu vào (số lượng đơn đặt hàng, lao động, chi phí sản xuất, công suất sử dụng máy móc, thiết bị); (3) Dự kiến kết quả đầu ra (khối lượng sản xuất, giá bán bình quân của một sản phẩm) và (4) Biến động tồn kho (tồn kho thành phẩm, tồn kho nguyên vật liệu).

“Phần II: Xu hướng SXKD ngành xây dựng”, phản ánh nhận định của doanh nghiệp về: (1) Tổng quan chung hoạt động SXKD; (2) Biến động của các yếu tố đầu vào (lao động, tổng chi phí sản xuất, chi phí nguyên vật liệu, chi phí nhân công); (3) Tiếp cận chính sách hỗ trợ và vốn vay và (4) Kiến nghị của doanh nghiệp.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong bối cảnh dịch COVID-19 lây lan nhanh, một bộ phận lao động phải nghỉ việc để cách ly, gây tình trạng thiếu hụt lao động tạm thời, các doanh nghiệp đã có nhiều phương án để khắc phục khó khăn về thiếu hụt lao động, đảm bảo ổn định và phát triển sản xuất. Có tới 64,2% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD quý I/2022 so với quý IV/2021 tốt lên và giữ ổn định (28,4% tốt lên và 35,8% giữ ổn định), 35,8% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD khó khăn hơn. Dự báo quý II/2022, tình hình tiếp tục khả quan hơn quý I/2022 khi có 82,3% doanh nghiệp nhận định tình hình SXKD của doanh nghiệp tốt hơn và giữ ổn định (50,0% tốt hơn, 32,3% giữ ổn định), tỷ lệ doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn giảm xuống còn 17,7%.

Tổng cục Thống kê nhận định, hoạt động SXKD của các doanh nghiệp xây dựng quý I/2022 được nhận định khó khăn hơn quý IV/2021. Có 53,4% doanh nghiệp nhận định tình hình SXKD quý I/2022 khó khăn hơn quý IV/2021, 28,7% số doanh nghiệp nhận định tình hình SXKD vẫn ổn định, chỉ có 17,9% số doanh nghiệp nhận định tình hình SXKD thuận lợi hơn[12]. Dự báo quý II/2022 so với quý I/2022, hoạt động SXKD của các doanh nghiệp xây dựng khả quan hơn với 18,8% doanh nghiệp dự báo hoạt động SXKD thuận lợi hơn, 29,5% nhận định giữ ổn định và 51,7% dự báo khó khăn hơn.

 Nguồn: Tổng cục Thống kê

Từ kết quả khảo sát, điều tra, cộng đồng doanh nghiệp khối ngành chế biến, chế tạo và xây dựng kiến nghị, giá nguyên vật liệu xây dựng tiếp tục tăng cao đặc biệt là giá thép đã gây khó khăn cho doanh nghiệp xây dựng trong việc hoàn thiện các công trình, dự án đã được ký kết. Dịch COVID-19 tuy đã từng bước được kiểm soát nhưng biến chủng mới Omicron khiến số ca mắc COVID-19 tăng cao, gây ra tình trạng thiếu hụt lao động trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn thiếu vốn để có thể khôi phục được hoàn toàn hoạt động SXKD. Để các doanh nghiệp xây dựng có thể phục hồi và tiếp tục hoạt động SXKD trong thời gian tới, các nhà thầu xây dựng kiến nghị:

Thứ nhất, tiếp tục có các biện pháp để bình ổn giá nguyên vật liệu đầu vào cho ngành xây dựng;

Thứ hai, cần thay đổi linh hoạt nguyên tắc 5K để người lao động có thể nhanh chóng quay lại làm việc sau khi nhiễm COVID-19;

Thứ ba, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn thông qua các thủ tục vay vốn ngân hàng thuận lợi, nhanh chóng hơn;

Thứ tư, các ngành, địa phương tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong việc giải phóng mặt bằng, bàn giao sớm cho các đơn vị thi công đúng tiến độ, đảm bảo các điều kiện thuận lợi và đầy đủ các thủ tục để dự án sau khi khởi công có thể triển khai xây dựng ngay để đảm bảo tiến độ, đồng thời luôn đồng hành với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc;

Thứ năm, minh bạch hơn công tác đấu thầu, rà soát lại những nhà thầu thi công chậm tiến độ, năng lực thi công kém để chuyển cơ hội cho các nhà thầu khác thi công./..

 

 
Hân Nguyễn
263 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1018
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1018
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87213341