Xóa “điểm nóng” người không quốc tịch 

(PLO) - Sau hàng chục năm định cư tại thôn A Dơi Mới (hay còn gọi bản Xâm Cư, xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), trải qua 2 - 3 thế hệ, một số đồng bào Vân Kiều, Pa Kô sống dọc tuyến biên giới giáp Lào vẫn chưa được nhập quốc tịch. Không quốc tịch, cuộc sống của nhiều gia đình gặp không ít khó khăn, trẻ em đến trường không có giấy khai sinh, bảo hiểm dành cho người dân tộc thiểu số không được hưởng…

Xóa “điểm nóng” người không quốc tịch

Đoàn công tác hướng dẫn người dân làm thủ tục

Triển khai thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào về việc giải quyết vấn đề quốc tịch, hộ tịch và giấy tờ tùy thân cho người di cư tự do; theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, trong hai ngày 25-26/9/2018, đoàn công tác Bộ Tư pháp (Cục Hộ tịch, Quốc tịch, chứng thực) và Bộ Công an (Cục C06) trực tiếp hướng dẫn người di cư tự do ở xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị hoàn tất hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam.

Đây là địa bàn đông người di cư tự do nhất trong số các xã biên giới. Theo Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực cho biết, sau khi hướng dẫn làm điểm, Sở Tư pháp Quảng Trị sẽ hoàn tất hồ sơ, trình lãnh đạo UBND tỉnh, báo cáo Bộ Tư pháp. Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ ký tờ trình lên Chủ tịch nước xem xét quyết định cho nhập quốc tịch trong thời gian sớm nhất.

Có mặt tại xã A Dơi, Tiến sĩ Nguyễn Công Khanh (Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực) cho biết: “Trong 10 tỉnh vùng biên giới có người di cư với nước bạn Lào thì có 5 tỉnh được Trưởng đoàn biên giới phê duyệt cho phép dân nhập quốc tịch.

Theo khảo sát, cả nước có 1804 người, trong đó Quảng Trị có tới 855 người (sống ở huyện Hướng Hóa và huyện Đakrông). Các vấn đề vướng mắc dần được tháo gỡ, thời gian không xa nữa dân nơi đây sẽ có quốc tịch. Đó là điều mong mỏi bấy lâu nay của chính quyền địa phương và người dân nơi đây”. 

Đón tin mừng, Trưởng bản A Dơi Mới, ông Hồ Văn Kía (60 tuổi) chia sẻ, ông từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, dẫn đường cho bộ đội hành quân ở những cánh rừng trên dãy Trường Sơn. Có thời điểm, bản làng bị bắn phá dữ dội, ông Kía cùng nhiều gia đình bỏ làng, chuyển đến khu vực biên giới để sinh sống. Ở Lào nhưng vẫn muốn trở lại quê cha đất tổ. Vì vậy, năm 2000 ông về Việt Nam.

“Tôi 10 năm làm trưởng bản bên Lào, 18 năm trưởng bản A Dơi Mới này, đã có cháu nội, ngoại nhưng giờ mới sắp có quốc tịch, vui mừng không thể tả được. Lúc dân chúng tôi được đón nhận quốc tịch sẽ mổ lợn, gà, thậm chí trâu để ăn mừng vì đây là sự kiện quan trọng nhất của bản làng chúng tôi từ trước đến nay. Tôi không còn là người “sống chui” nữa”, ông Kía cười vui vẻ.

Lê Tám Bảy

471 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 933
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 933
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87129192