Trong buổi Tọa đàm "Phát triển kinh tế tư nhân thành động lực: Rào cản và giải pháp", các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đã cùng phân tích cơ hội, thách thức của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hiện tại và thời gian tới; gợi mở những đường hướng, giải pháp, kiến nghị chính sách nhằm phát triển kinh tế tư nhân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 10.
Nghị quyết 98 đề ra 4 nhóm nhiệm vụ chủ yếu: Hoàn thiện thể chế, chính sách; bãi bỏ các rào cản, điều kiện kinh doanh không cần thiết; tăng cường khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng và các nguồn lực; hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân.
Để thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ trên, Chính phủ giao nhiệm vụ rất cụ thể cho từng bộ, ngành. Sau 1 năm ban hành Nghị quyết, thời điểm hiện tại Bộ Kế hoạch Đầu tư đang được giao làm đầu mối tổng hợp báo cáo tình hình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế tư nhân từ các bộ, ngành để trình Chính phủ.
Thông qua các ý kiến thảo luận từ nhiều góc độ, đại diện cơ quan quản lý nhà nước, đại diện doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế, Toạ đàm nhằm đưa ra một góc nhìn độc lập về tình hình thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ trên.
GS-TKSH Nguyễn Mại nhìn nhận cho đến nay, kinh tế tư nhân đã dần trở thành một trụ cột của nền kinh tế, với tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức khả quan. Đây là một trong những dấu chỉ cho thấy rằng, cùng với cải cách để có hiệu quả hơn đối với doanh nghiệp nhà nước, thu hút nhiều hơn, có chất lượng hơn doanh nghiệp FDI, thì kinh tế tư nhân với số lượng ngày càng nhiều, quy mô ngày càng lớn đóng vai trò quan trọng đối với gia tăng tốc độ tăng trưởng theo hướng bền vững.
Tuy nhiên, khu vực kinh tế tư nhân của nước ta còn nhiều hạn chế, năng lực cạnh tranh tuy đã được nâng cao nhưng vẫn chưa sánh kịp một số nước trong khu vực, nhưng khá năng động trong kinh doanh, coi trọng đổi mới sáng tạo để tận dụng cơ hội của hội nhập sâu rộng với thế giới trong kỷ nguyên số của cuộc cách mạng 4.0.
Nêu về các nguyên nhân khiến kinh tế tư nhân còn chưa phát triển mạnh, TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng một trong những lý do là môi trường kinh doanh vẫn còn có nhiều rủi ro. Sự đóng góp của GDP của khu vực này đã có sự tăng trưởng, nhưng khu vực này vẫn nhỏ so với nền kinh tế thị trường.
Cụ thể, môi trường kinh doanh của chúng ta còn nhiều rủi ro. Doanh nghiệp Việt, bên cạnh các rủi ro thông thường, phải đối mặt rủi ro pháp lý. Điều này đến từ hệ thống pháp luật nhiều khi còn không cụ thể, không rõ ràng, chưa minh bạch.
TS. Nguyễn Đình Cung khẳng định Chính phủ nhiệm kỳ này đã làm được nhiều việc, đã đẩy mạnh cải cách tháo bỏ rào cản cho DN và môi trường kinh doanh đã cởi mở hơn rất nhiều, nhưng doanh nhân DN Việt vẫn mong muốn cần có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa.
Có cùng quan điểm trên, PGS.TS.Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói rằng phải thay đổi mạnh từ tư duy, từ quan điểm đâu là trụ cột, đâu là lực lượng chủ đạo của nền kinh tế. “Dù bây giờ, thực lực của kinh tế tư nhân đã lớn hơn nhưng còn rất vất vả", TS. Trần Đình Thiên nói.
TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá: Dù với rất nhiều rào cản nhưng doanh nghiệp tư nhân vẫn phát triển, điều này cho thấy tiềm năng của khối doanh nghiệp này còn rất lớn. Thống kê cho thấy, 9 tháng đầu năm có 93.000 DN thành lập nhưng lại có 74.000 DN đóng cửa. Việc gia nhập thị trường tốt hơn rất nhiều nhưng lý do gì khiến doanh nghiệp đóng cửa?
Do đó, TS Võ Trí Thành cho rằng, Luật Đầu tư sắp tới cần thận trọng, “cuộc chơi” phải có nền tảng, cam kết hội nhập, kết nối doanh nghiệp với các tập đoàn FDI và sáng tạo, không phân biệt doanh nghiệp lớn nhỏ. Đồng thời, các chính sách điều tiết phải phù hợp với cuộc cách mạng nghệ tại Việt Nam.
Anh Minh