Nghị quyết gồm 8 Điều, quy định về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp (sau đây gọi chung là xử lý nợ) đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước (NSNN).
Đối tượng áp dụng gồm: Người nộp thuế nợ tiền thuế thuộc đối tượng được khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp quy định tại Điều 4 Nghị quyết này; cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế, người có thẩm quyền xử lý nợ quy định tại Nghị quyết này; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
|
Đại biểu tham gia biểu quyết. Ảnh: quochoi.vn. |
Về nguyên tắc xử lý nợ, Nghị quyết quy định: bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, đúng đối tượng, đúng thẩm quyền và bảo đảm điều kiện, hồ sơ, quy trình, thủ tục và chịu trách nhiệm của cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật; bảo đảm công khai, minh bạch; việc thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, giám sát của người dân; tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm việc lợi dụng chính sách để trục lợi hoặc cố tình chây ỳ, nợ thuế.
Nghị quyết giao Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết này và báo cáo Quốc hội kết quả xử lý nợ hằng năm khi trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước, báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ 1.7.2020 và được tổ chức thực hiện trong thời hạn 3 năm.
Theo báo cáo của Chính phủ, tổng số tiền thuế nợ tính đến ngày 31/08/2019 là 88.253 tỷ đồng, tăng 8,2% so với thời điểm 31/12/2018, trong đó tiền thuế nợ không có khả năng thu hồi của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh là 42.990 tỷ đồng. Tổng số tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp cơ quan quản lý thuế đã tính và quản lý của các đối tượng nêu trên, tính đến ngày 31/8/2019, lên tới 15.779 tỷ đồng. Số tiền này trên thực tế không có khả năng thu hồi.
Dự kiến, theo phương án xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp với các đối tượng quy định tại Nghị quyết này là 16.357 tỷ đồng.
Về thẩm quyền, Nghị quyết quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp từ 15 tỉ đồng trở lên.
Bộ trưởng Bộ Tài chính có thẩm quyền quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp từ 10 tỉ đồng đến dưới 15 tỉ đồng.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp từ 5 tỉ đồng đến dưới 10 tỉ đồng.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp dưới 5 tỉ đồng đối với cá nhân, cá nhân kinh doanh, hộ gia đình, hộ kinh doanh.
|
Thu Hằng