Để đạt được chỉ tiêu này, công tác xóa đói giảm nghèo đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Trị vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế, trong đó tập trung thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo đối với đồng bào DTTS, nhất là chính sách vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, giúp đồng bào dân tộc có nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất, từng bước nâng cao đời sống người dân.
|
Bà con Vân Kiều huyện Hướng Hóa chung tay xóa đói giảm nghèo (Ảnh minh họa) |
Tích cực triển khai chính sách xóa đói giảm nghèo
Tỉnh tổ chức thực hiện chương trình ủy thác cho vay qua các hội, đoàn thể, Ngân hàng chính sách xã hội đã giải ngân cho 11.222 lượt hộ vay vốn với tổng kinh phí giải ngân trêm 492,6 tỷ đồng, trong đó hộ đồng bào DTTS vay 1.637 lượt hộ vay. Thực hiện Quyết định 653/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân bổ vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025 và thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, giai đoạn 2021-2025, huyện Đakrông được phân bổ trên 206.908 triệu đồng để thực hiện Dự án Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội huyện nghèo.
Công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho đồng bào DTTS từng bước được cải thiện. Tỉnh chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật với nhiều hình thức, giúp đồng bào DTTS nâng cao nhận thức hiểu biết để lựa chọn công việc phù hợp. Đặc biệt đối với xuất khẩu lao động, tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động giúp người dân tìm được việc làm theo đúng quy định của pháp luật. 6 tháng đầu năm 2022 đã tạo được việc làm cho 2.392 lượt lao động người đồng bào DTTS.
Chính sách đào tạo nghề cho lao động DTTS được chú trọng. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã quan tâm thực hiện tốt chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp theo Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg ngày 20/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Các địa phương, cơ sở đào tạo nghề đã chủ động xây dựng kế hoạch đưa nội dung đào tạo nghề cho đồng bào DTTS thành chỉ tiêu trong xây dựng và triển khai đào tạo nghề cho lao động tại địa phương.
Để hướng dẫn thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho đồng bào DTTS trên địa bàn, tỉnh đã ban hành Quyết định số 1638/QĐ-UBND, ngày 22/6/2022 về việc phê duyệt kế hoạch dạy nghề cho nông thôn đợt I năm 2022; theo đó, đã hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 100 người lao động là đồng bào DTTS.
Hồi sinh nghề dệt thổ cẩm của đồng bào PaKô (Ảnh minh họa)
Những chuyển biến tích cực
Hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông có 44 xã miền núi và 28 xã có đồng bào DTTS. Đây là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào Bru -Vân Kiều (Vân Kiều) và Tà Ôi - PaKô (PaKô). Trong số 16.000 hộ đồng bào DTTS vẫn còn 11.100 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 45% so với hộ nghèo toàn tỉnh, chiếm 69% so với hộ đồng bào DTTS. Nhiều hộ dân vẫn chưa tiếp cận đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và chưa được hưởng các ưu đãi về cơ sở hạ tầng, nguồn vốn, tư liệu sản xuất giúp cho việc xóa đói giảm nghèo.
Những năm qua, huyện Đakrông đã đẩy mạnh triển khai công tác giảm nghèo, tạo điều kiện cho đồng bào vay vốn để phát triển sản xuất, xây dựng nhà ở, kêu gọi nguồn lực xây nhà ở cho người có công, hiện không còn đối tượng người có công ở nhà tạm, dột nát; tư vấn xúc tiến cho con em địa phương đi lao động các địa bàn khác và ra nước ngoài.
Đặc biệt, thực hiện Đề án Đào tạo nghề trên địa bàn vùng núi đạt được những kết quả quan trọng. Trong 10 năm từ 2011 -2021, huyện Đakrông tập huấn, đào tạo nghề cho 7.202 lao động, trong đó số đào tạo nghề cho 3.495 lao động; đào tạo nghề cho 3.601 lao động trình độ sơ cấp trở lên và 4.087 lao động học nghề dưới 3 tháng. Các lớp dạy nghề cho người lao động bám sát mục tiêu, gắn với Chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Huyện Hướng Hóa có đồng bào DTTS chiếm gần 50% dân số, sinh sống ở 21 xã, thị trấn. Huyện có tỉ lệ hộ nghèo là đồng bào DTTS còn ở mức cao, tính đến năm 2022, huyện còn 6.028 hộ nghèo, chiếm 26,45% hộ dân toàn huyện. Trong những năm qua, các chương trình, chính sách dân tộc đã được triển khai hiệu quả, đồng bộ trên địa bàn huyện Hướng Hóa, góp phần từng bước ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Toàn huyện hiện có hơn 4.000 ha cà phê; 233,7 ha hồ tiêu; hơn 5.300 ha sắn; 3.152,6 ha chuối; 1.069,9 ha cao su… Việc đầu tư phát triển kinh tế trang trại, gia trại đã khai thác và sử dụng hiệu quả tiềm năng về đất đai, giải quyết việc làm cho người dân, góp phần tăng tỷ lệ hộ khá, giàu trên địa bàn.
Huyện Hướng Hóa phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân của đồng bào dân tộc thiểu số tăng 1,5 - 2 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS giảm 2,5 - 3%/ năm. Việc triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình MTTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi ở Hướng Hóa được kỳ vọng sẽ tiếp tục giúp thay đổi đời sống của đồng bào DTTS và tạo diện mạo tươi đẹp hơn cho các xã vùng sâu, vùng xa của huyện.
Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS bình quân 4-5% mỗi năm
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tỉnh phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS giảm bình quân 4-5%/năm. Phấn đấu giảm 50% số xã, thôn bản thuộc diện đặc biệt khó khăn; có thêm 9 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, không còn xã đạt dưới 13 tiêu chí nông thôn mới, có 40% thôn bản vùng DTTS và miền núi đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.
100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; trên 70% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 100% số thôn, bản được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; trên 90% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh.
Hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư; sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở những nơi cần thiết. Quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí 60% số hộ dân tộc thiểu số đang cư trú tại các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở. Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào.
Trong đó, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, phát huy vai trò, trách nhiệm và sự vào cuộc với vai trò chủ thể của đoàn viên, hội viên và nhân dân trong tham gia thực hiện kế hoạch; thực hiện tốt vai trò giám sát phản biện trong quá trình thực hiện, từ đó kiến nghị các giải pháp, cơ chế, chính sách cụ thể để thực hiện có hiệu quả; phát huy sự tham gia của cộng đồng, người dân và vai trò giám sát cộng đồng trong việc thực hiện ngay từ bước lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và bàn giao đưa vào khai thác, sử dụng các công trình, dự án; tham gia kiểm tra và hướng dẫn thực hiện; tuyên truyền huy động các nguồn lực, nhân rộng các gương tập thể, cá nhân điển hình. Phối hợp thực hiện hỗ trợ nhà ở cho các hộ gia đình trong Dự án 1 của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025.
Đỗ Thụy
https://tapchimattran.vn/dai-doan-ket/xoa-doi-giam-ngheo-vung-dtts-va-mien-nui-quang-tri-54599.html