Xét xử vụ Công ty Nhật Cường: Làm rõ đường đi của nguồn hàng nhập lậu 

Trong vụ án này, 13 bị cáo bị xét xử về hành vi buôn lậu, tiếp tay cho Bùi Quang Huy thực hiện hành vi giao dịch, mua bán trái phép hơn 255.000 sản phẩm, có tổng trị giá thanh toán hơn 2.927 tỷ đồng. Kim Anh (TTXVN/Vietnam+)
Xét xử vụ Công ty Nhật Cường: Làm rõ đường đi của nguồn hàng nhập lậu

Sáng 6/5, phiên tòa xét xử 14 bị cáo trong vụ án buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Nhật Cường tiếp tục với phần thẩm vấn. Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đặt nhiều câu hỏi với các bị cáo nhằm làm rõ đường đi nguồn hàng nhập lậu của Công ty Nhật Cường, đồng thời phân hóa trách nhiệm cụ thể của từng bị cáo trong vụ án.

Trả lời thẩm vấn của đại diện Viện Kiểm sát, bị cáo Trần Ngọc Ánh (Phó Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường) khai nhận được bị can Bùi Quang Huy (Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường) phân công nhiệm vụ trực tiếp tham gia đàm phán với các nhà cung cấp nước ngoài, mua hàng hóa mang về Việt Nam cho Công ty Nhật Cường đem đi phân phối, tiêu thụ.

Bị cáo Ánh thừa nhận mình có liên quan đến việc buôn lậu xảy ra tại Công ty Nhật Cường. Trong số các đơn hàng nhập về Việt Nam, nhiều đơn hàng không có hóa đơn, chứng từ. Nhiều nhà cung cấp những đơn hàng này là của Trung Quốc, do Ánh không biết tiếng Trung nên chủ yếu là Bùi Quang Huy giao dịch.

Cũng liên quan đến hành vi buôn lậu, bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc (Giám đốc tài chính Công ty Nhật Cường) khai được giao nhiệm vụ lập các đơn hàng khi có hàng hóa mới nhập về, để các tổng kho nhập hàng.

Quá trình lập đơn hàng, Ngọc biết có nhiều đơn hàng không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp. Bị cáo nhớ có nhiều lần Công ty Nhật Cường đã bị xử phạt hành chính về hành vi nhập hàng không có hóa đơn VAT.

[Xét xử vụ Công ty Nhật Cường: Các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội]

Tại phiên tòa, nhiều bị cáo khác trong vụ án đã khai những hành vi có liên quan trong vụ án, làm rõ về các công đoạn nhập lậu từ việc mua hàng ở nước ngoài, vận chuyển hàng qua biên giới, cấp cho Công ty Nhật Cường đem phân phối cho các đại lý tiêu thụ… mà hoàn toàn không có hóa đơn, chứng từ.

Trong vụ án này, 13 bị cáo bị xét xử về hành vi buôn lậu, tiếp tay cho Bùi Quang Huy thực hiện hành vi giao dịch, mua bán trái phép hơn 2.500 đơn hàng với trên 255.000 sản phẩm, có tổng trị giá thanh toán hơn 2.927 tỷ đồng.

Thông qua hệ thống các cửa hàng của Công ty Nhật Cường, Bùi Quang Huy đã tiêu thụ gần 255.000 sản phẩm, thu lợi bất chính hơn 221 tỷ đồng. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra đang tiếp tục điều tra làm rõ các nhà cung cấp và các đường dây vận chuyển còn lại.

Xet xu vu Cong ty Nhat Cuong: Lam ro duong di cua nguon hang nhap lau hinh anh 2Bị cáo Trần Ngọc Ánh (Phó Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường) khai báo trước tòa. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Liên quan đến hành vi vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiệm trọng, trả lời câu hỏi của các luật sư bào chữa, bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc khai bị cáo chỉ lập đơn hàng, nhập dữ liệu qua hệ thống phần mềm ERP.

Còn phần mềm kế toán MISA, Ngọc không được cấp quyền truy cập. Ngọc chỉ quản lý nội dung liên quan đến thu chi, không tham gia báo cáo tài chính, báo cáo thuế để gửi các cơ quan chức năng.

Bị cáo Nguyễn Thị Bích Hằng (Kế toán trưởng Công ty Nhật Cường) thừa nhận được Bùi Quang Huy giao cho quản lý phần mềm MISA, lập các báo cáo thuế, báo cáo tài chính đưa Huy duyệt trước khi báo cáo các cơ quan chức năng. Mặc dù được cấp quyền truy cập phần mềm ERP, nhưng hầu như bị cáo Hằng không sử dụng số liệu từ phần mềm này vì công việc chính của Hằng là quản lý phần mềm MISA.

Theo cáo trạng, năm 2014, Bùi Quang Huy chỉ đạo lập hai hệ thống sổ sách kế toán để theo dõi hoạt động kinh doanh của công ty, chỉ đạo Nguyễn Bảo Ngọc và Nguyễn Thị Bích Hằng sử dụng, ghi chép số liệu liên quan đến hoạt động của Công ty Nhật Cường trên hệ thống sổ sách kế toán tại phần mềm ERP và phần mềm MISA.

Trong đó, nhiều số liệu về tài sản, nguồn vốn, doanh thu, lợi nhuận, chi phí, tiền đầu tư vào các công ty con do Bùi Quang Huy thành lập… chỉ được ghi chép trên phần mềm ERP để theo dõi nội bộ, không ghi chép trên phần mềm MISA để đưa vào các báo cáo thuế, báo cáo tài chính, kê khai với cơ quan quản lý nhà nước.

Hành vi lập hai hệ thống sổ sách kế toán nêu trên đã bỏ ngoài sổ sách kế toán tài sản, nguồn vốn hoạt động thực tế của Công ty Nhật Cường, vi phạm về các hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 13 Luật kế toán.

Theo Viện Kiểm sát, chỉ tính phần nghĩa vụ nộp thuế trong các hoạt động kinh doanh của Công ty Nhật Cường đã gây thiệt hại cho Nhà nước gần 30 tỷ đồng. Ngoài ra, hành vi này còn nhằm mục đích che giấu hoạt động kinh doanh bất hợp pháp, tránh sự kiểm tra, phát hiện của các cơ quan chức năng.

Chiều 6/5, phiên tòa chuyển sang phần tranh luận. Đại diện Viện Kiểm sát trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với từng bị cáo./.

 
Kim Anh (TTXVN/Vietnam+)
247 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Thể thao

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1180
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1180
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76387932