Trước đó, kết thúc ngày xét xử thứ 4 (ngày 17/8), đại diện Viện Kiểm sát (VKS) nhân dân TP. Đà Nẵng (VKS) đã trình bày bản luận tội đối với các bị cáo và đề nghị mức án đối với bị cáo cao nhất là từ 12 đến 14 năm tù.
Tại phần luận tội, đại diện VKS đề nghị Hội đồng xét xử tuyên buộc bị cáo Trương Huy Liệu (nguyên Phó giám đốc Công ty Ngọc Hưng) từ 12 đến 14 năm tù; bị cáo Trần Thị Dung (nguyên Giám đốc Công ty Ngọc Hưng) 7 đến 8 năm tù về tội buôn lậu. Ba bị cáo nguyên là cán bộ hải quan gồm Đỗ Danh Thắng, Lê Xuân Thành, Đỗ Lý Nhi bị đề nghị 3 đến 4 năm tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Tại tòa ngày 20/8, khi xét hỏi từng bị cáo, Chủ tọa phiên tòa điều khiển để các thành viên Hội đồng xét xử, đại diện VKS, luật sư, những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và kể cả các bị cáo đặt câu hỏi để làm sáng tỏ sự thật khách quan vụ án.
Bị cáo và luật sư đã tranh luận xoay quanh căn cứ để buộc tội của đại diện VKS, việc truy tố tội “buôn lậu”, tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, việc giám định, việc trốn thuế, khối lượng, giá trị của lô gỗ…
Phản biện tại tòa, đại diện VKS khẳng định, kết luận bản án được căn cứ trên hệ thống chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra.
Trong đó, trước khi bán đấu giá, lô gỗ vi phạm đã được thu giữ, bảo quản, niêm phong và được giám định, chụp lại theo quy định của pháp luật. Kết quả phân tích, kết luận giám định số 783/VSTTNSV ngày 26/11/2012 của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật có giá trị pháp lý. Đây là chứng cứ để các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án.
Các chứng cứ sử dụng để quy kết trách nhiệm của các bị cáo như trong cáo trạng được thu thập hợp pháp, đúng trình tự thẩm quyền. Hệ thống các chứng cứ thu thập được là phù hợp, logic và phù hợp với diễn biến hành vi phạm tội của các bị cáo. Do đó VKS ban hành cáo trạng luận tội, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo là hoàn toàn có cơ sở.
Đối với kết luận giám định 5300 /C54-P5 ngày 1/11/2017 của Viện Khoa học hình sự-Bộ Công an kết luận: Chữ ký đứng tên Khamfong Vorabouth và hình dấu Nhà máy chế biến gỗ nội thất Lào trên các tài liệu thuộc bộ hồ sơ NK của Công ty Ngọc Hưng (gồm: ….) so với chữ ký đứng tên ông Khamfong Vorabouth và hình dấu Nhà máy chế biến gỗ nội thất Lào do VKSND tối cao nước CHDCND Lào cung cấp theo yêu cầu tương trợ tư pháp là không phải cùng một người ký và không phải do cùng một con dấu đóng ra. VKS khẳng định, kết luận giám định này được thực hiện theo đúng thẩm quyền đúng trình tự thủ tục pháp luật quy định, dựa trên kết quả tương trợ tư pháp hình sự được thu thập một cách hợp pháp.
Đồng thời kết qủa tương trợ tư pháp cũng khẳng định từ trước tời nay ông Khamfong Vorabouth chỉ sử dụng duy nhất một chữ ký, Nhà máy chế biến gỗ nội thất Lào chỉ sử dụng duy nhất một con dấu, đây là tài liệu cung cấp hợp pháp theo quy định của luật tương trợ tư pháp.
Ngoài ra, trong phần tranh luận của mình, đại diện VKS cũng cho biết, qua chứng cứ điều tra cho thấy có thể có dấu hiệu những bộ hồ sơ giả trong quá trình NK gỗ từ Lào vào Việt Nam. Từ đó cho thấy việc quản lý NK gỗ từ Lào vào Việt Nam còn sơ hở và thiếu sót.
Với trách nhiệm của VKS sẽ nghiên cứu kiến nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan có chỉ đạo chặt chẽ hơn nữa đối với hồ sơ NK gỗ, số lượng, khối lượng gỗ NK từ Lào vào Việt Nam. Đồng thời, đơn vị này cũng sẽ có kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông để có chỉ đạo quản lý chặt chẽ đối với việc kiểm dịch NK gỗ từ Lào vào Việt Nam của cơ quan kiểm dịch thực vật để đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật Việt Nam về XNK, về kiểm dịch.
Trong ngày xét xử thứ 6, phiên tòa tiếp tục các nội dung tranh luận giữa các bên liên quan.