Xem xét thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ 

(Chinhphu.vn) - Tại phiên họp thứ 6 chiều 21/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết

Lý giải về sự cần thiết xây dựng Nghị quyết của Quốc hội cho phép áp dụng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ, Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, có vị trí trung tâm Vùng ĐBSCL mang những đặc trưng cơ bản của một trung tâm đa chức năng, có sức lan tỏa về kinh tế, văn hóa, xã hội và là cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mekong, đóng vai trò kết nối nước ta với các nước thuộc Tiểu vùng sông Mekong mở rộng.

Tuy nhiên, tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 17/2/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về xây dựng và phát triển Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Bộ Chính trị đã chỉ ra rằng, mặc dù Thành phố đã khai thác và phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế cho phát triển, kinh tế tăng trưởng khá với chất lượng tăng trưởng được nâng lên, từng bước khẳng định vai trò trung tâm của Vùng ĐBSCL, nhưng phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa thực sự là trung tâm động lực của Vùng ĐBSCL.

Tại Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5/8/2020, Bộ Chính trị đã chỉ ra “cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố chưa đủ mạnh để tạo ra động lực mới cho phát triển, nhất là trong thu hút đầu tư”, chưa tạo ra nguồn lực lớn để tạo sự phát triển đột phá.

Nghị quyết số 59 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra mục tiêu phát triển Thành phố đến năm 2030 là “thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước ĐBSCL; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hoá, thể thao; là đô thị hạt nhân Vùng ĐBSCL...

Để đạt được mục tiêu nêu trên, Bộ Chính trị đã định hướng cho phép “Xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư, tài chính và phân cấp quản lý đặc thù, phù hợp với năng lực của Thành phố và có tính tương đồng với các thành phố trực thuộc Trung ương khác trong cả nước” và giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo xây dựng Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, ban hành.

Việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 59-NQ/TW, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển Cần Thơ nhanh và bền vững, phấn đấu thực hiện mục tiêu của Bộ Chính trị đã đề ra.      

Nghị quyết này quy định thí điểm áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với Cần Thơ về quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước, phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch,thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý…

Thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Cần Thơ là đủ cơ sở chính trị, căn cứ thực tiễn, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 59 của Bộ Chính trị về phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tạo cơ chế thu hút đầu tư, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng Cần Thơ thành trung tâm phát triển của vùng, mang bản sắc sông nước Vùng ĐBSCL.

Về thẩm quyền ban hành, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quốc hội có thẩm quyền ban hành Nghị quyết để thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, nhưng chưa có luật điều chỉnh. Vì vậy, việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ là đúng thẩm quyền.

Hồ sơ dự thảo Nghị quyết cơ bản đã bảo đảm đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua theo trình tự tại một kỳ họp. Tuy nhiên, Báo cáo đánh giá tác động cần đầy đủ, chi tiết hơn. 

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cho rằng, hồ sơ dự thảo Nghị quyết đủ điều kiện trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường theo trình tự, thủ tục rút gọn, đồng thời thống nhất đề nghị Quốc hội cho phép Cần Thơ được thí điểm áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự thảo nghị quyết gửi Quốc hội và cơ quan thẩm tra, Ủy ban Tài chính, Ngân sách thẩm tra chính thức trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp bất thường tới đây của Quốc hội khóa XV.

 Nguyễn Hoàng

152 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 931
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 931
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87076621