Xem xét tăng vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu 

(ĐCSVN) – Theo đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Long An), vừa qua Nhà nước đã quyết định tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Bởi vậy, cần thiết phải xem xét tăng cường vốn đầu tư phát triển cho bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu trong tổng chi ngân sách nhà nước để đầu tư cho xử lý ô nhiễm môi trường.

 

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Long An). (Ảnh: quochoi.vn)

Thảo luận tại hội trường Quốc hội về phân bổ ngân sách, đầu tư công, sáng 29/10, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho biết: Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) năm 2017, cử tri cả nước, đặc biệt là cử tri khu vực đồng bằng sông Cửu Long rất vui mừng khi Thủ tướng Chính phủ trực tiếp đi khảo sát khu vực sông Hậu, vùng sạt lở ven biển Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và chủ trì Hội nghị Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH. Ngay sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long, thích ứng với BĐKH.

Tuy nhiên, cử tri cho rằng, tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 120 còn rất chậm. Cụ thể là sau một năm triển khai Nghị quyết, nhưng cho đến nay các bộ, ngành liên quan vẫn chưa tham mưu trình Chính phủ ban hành được chương trình hành động tổng thể thực hiện nghị quyết này. Tại Quyết định 1670 ngày 31/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020, vốn ngân sách trung ương thực hiện cho chương trình này là 15.866 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển là 15.470 tỷ đồng và vốn sự nghiệp là 396 tỷ đồng. Việc xây dựng chương trình đã chậm nhưng tình hình phân bổ giao vốn đầu tư thực hiện cho chương trình còn chậm hơn.

Đại biểu cũng cho biết, mặc dù thời gian triển khai chương trình mục tiêu BĐKH và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020 đã muộn nhưng Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định giao vốn để đầu tư triển khai thực hiện các dự án này. “Như vậy, từ khi có chủ trương, tức là Nghị quyết 73 năm 2016 cho đến khi được giao vốn là 3 năm thì cử tri băn khoăn là chỉ còn có 2 năm nữa thì liệu việc triển khai đầu tư xây dựng công trình có hoàn thành được không? Có đảm bảo tiến độ và chất lượng không?”, đại biểu băn khoăn.

Về chương trình mục tiêu hỗ trợ xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc khu vực công ích giai đoạn 2016 - 2020, đại biểu Tuấn Anh cho hay: Ngày 03/07/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 807 phê duyệt chương trình mục tiêu hỗ trợ xử lý triệt để các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc khu vực công ích giai đoạn 2016 - 2020.

Theo đó, 30 bãi rác và 70 điểm ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật đặc biệt nghiêm trọng được ưu tiên xử lý và đầu tư 3 dự án xử lý nước thải sinh hoạt trực tiếp tại lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy, sông Cầu và sông Đồng Nai. Theo Quyết định 73 năm 2016, tổng kinh phí của chương trình là 4.648 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thực tế nguồn vốn trong chương trình còn quá ít, tổng số nguồn vốn dự kiến bố trí cho chương trình là khoảng 535 tỷ đồng, đạt 11,51%. Theo báo cáo số 5486 ngày 05/10/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đa số các địa phương không bố trí vốn cho các dự án của chương trình trong kế hoạch đầu tư công trung hạn nên không có kinh phí để thực hiện các dự án đầu tư các bãi rác.

Mặt khác, theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn thì tính đến tháng 10/2018 mới xử lý xong 230/435 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Như vậy, việc thực hiện kế hoạch xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Nghị quyết số 1788 thì qua 5 năm mới đạt được 52%, trong khi mốc thời gian đến năm 2020 còn có 2 năm nữa.

Trước thực trạng ô nhiễm môi trường do tác động tích lũy trong thời gian dài, đại biểu đề nghị cần tiếp tục phải giải quyết tình hình thực hiện đầu tư công cho hai chương trình mục tiêu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH như đã nêu ở trên. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn chỉnh chương trình hành động tổng thể; thực hiện Nghị quyết 120 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH.

“Bên cạnh đó, cần thiết phải xem xét tăng cường vốn đầu tư phát triển cho bảo vệ môi trường và BĐKH trong tổng chi ngân sách nhà nước để đầu tư cho xử lý ô nhiễm môi trường. Có như vậy mới đạt được mục tiêu mà nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đề ra”, đại biểu cho biết./.

Bích Liên

473 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 773
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 773
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87217137