Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có công văn gửi Bộ Tài chính về giải pháp để khắc phục ảnh hưởng của dịch COVID-19 cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Theo quy định hiện hành tại Thông tư số 295/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt do nhà nước đầu tư, mức thu này là là 8% trên doanh thu kinh doanh vận tải đường sắt, khoản phí phải nộp năm 2020 khoảng 213 tỷ đồng.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng xin miễn trích nộp ngân sách nhà nước tiền thu cho thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt năm (KCHTĐS) 2020. Theo quy định hiện hành tại Thông tư số 21/2008/TT-BTC ngày 4/4/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phương thức thu phí và mức thu phí, giá thuê sử dụng KCHTĐS quốc gia do Nhà nước đầu tư là 20% số thu thì khoản thu này cho cả năm 2020 khoảng 14,6 tỷ đồng.
Bộ GTVT nhận thấy việc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị miễn, giảm các khoản phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt và tiền thu cho thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19 trong năm 2020 là có cơ sở.
|
Ảnh minh họa (Ảnh: Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) |
Tuy nhiên, thẩm quyền quyết định việc miễn, giảm các khoản thu, nộp trên và việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan như Quyết định số 84/2007/QĐ-TTg ngày 11/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ về phương thức và mức thu phí, giá thuê sử dụng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư; Thông tư số 21/2008/TT-BTC ngày 4/4/2008; Thông tư số 295/2016-BTC ngày 15/11/2016 không thuộc Bộ GTVT. Đồng thời, hiện nay Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là doanh nghiệp trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Do vậy, Bộ GTVT đề nghị Bộ Tài chính xem xét, quyết định hoặc báo cáo cấp thẩm quyền quyết định việc miễn, giảm các khoản thu, nộp nêu trên nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh (SXKD), bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19 cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Đối với đề nghị cho phép lùi thời gian thực hiện về niên hạn sử dụng đầu máy, toa xe định kỳ thêm 3 năm so với thời gian quy định tại Điều 19 Nghị định số 65/2018/NĐ-CP ngày 12/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt, Bộ GTVT đang rà soát, xem xét, xử lý theo quy định.
Được biết, do ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19, vận tải hành khách giảm mạnh dẫn đến kết quả SXKD Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sụt giảm nghiêm trọng.
Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, tính từ tháng 2 đến 5/2020 đã giảm khai thác 2.886 chuyến tàu so với cùng kỳ; tỷ lệ chiếm chỗ trên các đoàn tàu 6 tháng đầu năm cũng chỉ đạt khoảng 56%.
Việc bùng phát dịch COVID-19 đợt 2 đã phá vỡ toàn bộ kế hoạch chạy tàu cùng các nỗ lực tăng sản lượng và doanh thu từ vận tải hành khách của Tổng công ty. Chỉ trong 18 ngày kể từ ngày dịch COVID-19 đợt 2 (từ ngày 23/7 đến 09/8/2020) số lượng vé trả lại tương ứng với 34,4 tỷ đồng, doanh thu vận tải hành khách giảm hằng ngày.
Doanh thu vận tải đường sắt 9 tháng đầu năm giảm 34,2% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 1.179 tỷ đồng. Công ty mẹ doanh thu ước đạt khoảng 1.300 tỷ đồng, dẫn đến kết quả SXKD trước thuế ước lỗ hơn 428 tỷ đồng./.
Tin, audio: KC