Sáng 5/11, Quốc hội thảo luận việc kéo dài thời hạn thực hiện Nghị quyết số 30/2016/QH14 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2016/QH14 là chủ trương đúng đắn. Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết đã đạt được các mục tiêu mà Quốc hội đề ra, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần tích cực vào công cuộc hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện của nước ta hiện nay.
Trên cơ sở tổng kết, Chính phủ xác định cần phải tiếp tục thực hiện thí điểm nhằm tổng kết, đánh giá một cách toàn diện hơn nữa tác động của chính sách này đối với các lĩnh vực đời sống kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày báo cáo. Ảnh: TH.
"Chính phủ đề nghị xem xét, cho phép kéo dài thời gian thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam thêm 2 năm, kể từ ngày 1/2/2019", Bộ trưởng nêu rõ.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội (UBQPAN) Võ Trọng Việt nhấn mạnh: Việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử đã đạt được những kết quả tích cực về đối ngoại, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, góp phần quan trọng trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, UBQPAN đề nghị phân tích, làm rõ thêm một số nội dung là: Đánh giá rõ hơn hiệu quả về kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh của việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Đánh giá rõ những tồn tại và nguy cơ tiềm ẩn trong hoạt động nhập cảnh của người nước ngoài bằng thị thực điện tử đối với an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của nước ta và định hướng giải pháp xử lý. Đánh giá làm rõ hơn những nguyên nhân tồn tại, trong đó tập trung làm rõ lý do đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thí điểm...
Cho ý kiến vào báo cáo, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Bùi Mậu Quân (Hải Dương) nhất trí với đề xuất của Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thêm 2 năm thực hiện việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài. Theo ĐB Bùi Mậu Quân, việc làm này hoàn toàn phù hợp và cần thiết để có thời gian Quốc hội tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh của người nước ngoài vào Việt Nam, điều đó không làm phát sinh thêm những tác động tiêu cực có liên quan đến kinh tế, quốc phòng và an ninh.
Tuy nhiên, nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại như báo cáo đã nêu, để tiếp tục thực hiện thí điểm, ĐB Quân đề nghị cần tăng cường mạnh mẽ hơn công tác tuyên truyền về chính sách thị thực điện tử để nhiều người biết và thực hiện. Đồng thời, nâng cấp hệ thống thị thực điện tử để đảm bảo cho việc vận hành ổn định và thông suốt. Chính phủ cần tiếp tục mở rộng và bổ sung các nước có công dân cấp thị thực điện tử và các cửa khẩu quốc tế để cho phép người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực điện tử, công khai trên mạng Internet cũng như trên các trang thông tin của Chính phủ, Bộ Công an và Bộ Ngoại giao để nhiều người biết và thực hiện.
ĐB Nguyễn Quốc Hưng (TP Hà Nội) đặt vấn đề, qua 2 năm thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử thấy rằng việc cấp thị thực điện tử này rất hiệu quả. Về tính pháp lý cũng như thực tiễn và qua kinh nghiệm quốc tế thì đều thấy rất cần thiết. “Tại sao chúng ta lại phải tiếp tục thí điểm mà không cấp luôn?”, ĐB nói.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) tán thành báo cáo của Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Chính phủ đánh giá làm rõ tồn tại nguy cơ tiềm ẩn trong xuất nhập cảnh của người nước ngoài, nhất là quản lý nội địa với người nước ngoài và cư trú làm việc bất hợp pháp ở Việt Nam, tạo sự cạnh tranh ảnh hưởng môi trường lao động việc làm, thu nhập của người lao động hợp pháp, trong đó có cả người nước ngoài và người Việt Nam.
“Qua giám sát của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội thấy lao động nước ngoài làm việc bất hợp pháp ở Việt Nam còn tồn tại, việc này có liên quan đến cấp thị thực không?”, ĐB nêu câu hỏi.
Ngoài việc đánh giá thực trạng tính hiệu quả về hạ tầng kỹ thuật như trong báo cáo của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho rằng cần đánh giá năng lực xử lý đầu vào và đầu ra khi áp dụng nghị quyết trong thực tiễn…/.
Thu Hằng