Xem xét dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công 

(Chinhphu.vn) - Tại phiên họp thứ 31 diễn ra vào sáng 21/2, UBTVQH đã nghe báo cáo và thảo luận về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Đầu tư công đã được Quốc hội thảo luận và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6.

Trên cơ sở  ý kiến của các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) đã phối hợp với Cơ quan soạn thảo tổ chức hội thảo để lấy ý kiến trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật; làm việc với Cơ quan soạn thảo để thống nhất định hướng giải trình, tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH đối với Dự án Luật này.

Báo cáo về phương án giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề lớn và nội dung còn ý kiến khác nhau về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công do Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Nguyễn Đức Hải trình bày tại phiên họp cho biết: Về áp dụng Luật Đầu tư công (Điều 3), một số ý kiến đề nghị không loại trừ các dự án PPP, các quỹ ngoài ngân sách (Quy định tại khoản 4 Điều 3). Để bảo đảm thống nhất với quy định về dự án đầu tư công, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban TCNS và Cơ quan soạn thảo đã thống nhất bỏ quy định tại Khoản 4, Điều 3 của Dự thảo Luật đã trình Quốc hội.

Về giải thích từ ngữ (Điều 4), có ý kiến đề nghị quy định cụ thể các khái niệm theo hướng đơn giản, dễ hiểu và bảo đảm phù hợp với các luật khác. Một số ý kiến đề nghị không mở rộng phạm vi “dự án khẩn cấp” tại phần định nghĩa. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban TCNS và Cơ quan soạn thảo đã rà soát, chỉnh lý nhiều khoản trong Điều 4 Dự thảo Luật (khoản12, 13, 14, 16, 21). Trong đó, đã thu hẹp phạm vi “dự án khẩn cấp” so với quy định tại Dự thảo Luật đã trình Quốc hội, chỉ áp dụng đối với các dự án phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh; nhiệm vụ cấp bách để bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Liên quan đến quy trình xây dựng, phê duyệt và giao Kế hoạch đầu tư công trung hạn, một số ý kiến cho rằng, các quy trình, thủ tục trình, thẩm định, phê duyệt còn phức tạp và đề nghị cần sửa đổi theo hướng linh hoạt, phù hợp với thực tế hơn. Có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu trình tự, thẩm định và kế hoạch thời gian quy định để phù hợp với pháp luật liên quan.

 

Toàn cảnh phiên họp - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Ủy ban TCNS và Cơ quan soạn thảo nhận thấy, theo quy định của Luật Đầu tư công hiện hành, một số quy định về trình tự thẩm định nguồn vốn còn nhiều vướng mắc. Bên cạnh đó, theo quy định của Dự thảo Luật trình Quốc hội, đối với nguồn vốn ODA, quy trình, thủ tục thực hiện dự án sử dụng nguồn vốn này chưa thực sự phù hợp với các quy định của pháp luật liên quan do nguồn vốn này cũng đã được đưa vào cân đối chung của NSNN theo quy định của Luật NSNN. Do đó, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban TCNS và Cơ quan soạn thảo đã bỏ một số nội dung như: Điểm b, c, d Khoản 3 và Điểm b Khoản 4 Điều 17; Điểm c Khoản 1 và Điểm b Khoản 2 Điều 36; Điều 50, 53 về Kế hoạch Đầu tư công 3 năm; Điều 42, Điều 66 và Điều 67 của Dự thảo Luật trình Quốc hội về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, trình tự, thủ tục quyết định các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA.

Liên quan đến phạm vi sửa đổi và tên gọi của Luật, theo ông Nguyễn Đức Hải, có nhiều ý kiến đề nghị rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, đầy đủ các vấn đề vướng mắc, sửa đổi Luật Đầu tư công toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và thống nhất tên gọi của Luật là Luật Đầu tư công (sửa đổi). Một số ý kiến đề nghị nên tập trung vào sửa đổi một số điều cần thiết và lấy tên là “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công”.

Về vấn đề này, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS cho rằng, trên cơ sở tổng kết 3 năm thực hiện Luật Đầu tư công, qua giám sát, nghiên cứu các ý kiến ĐBQH, đề xuất của các bộ, ngành, địa phương thì vấn đề quan trọng là việc sửa đổi phải tháo gỡ được các khó khăn vướng mắc, phù hợp với thực tiễn. Dự án Luật đã sửa nhiều nội dung về khái niệm, giải thích từ ngữ; đã sửa đổi, bổ sung cơ bản các quy định của Luật Đầu tư công hiện hành với số lượng các điều phải sửa đổi, bổ sung, loại bỏ chiếm tỷ lệ khá lớn; sửa đổi, bổ sung các tiêu chí phân loại dự án đầu tư công; điều chỉnh tiêu chí dự án; xem xét, bổ sung quy định về Kế hoạch đầu tư công trung hạn 03 năm;…

Do đó, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khắc phục triệt để những vướng mắc đã và đang phát sinh trên thực tiễn, bảo đảm tính ổn định, khả thi của Luật, đa số ý kiến thống nhất phạm vi sửa đổi và tên gọi của Luật là “Luật Đầu tư công (sửa đổi)”.

Về nguồn vốn ngoài NSNN, có ý kiến đề nghị không quy định “nguồn vốn để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách” trong Luật này vì một số nguồn để lại cho đầu tư đã được điều chỉnh ở nhiều văn bản quy định khác nhau. Một số ý kiến đề nghị cần quy định nội dung này để quản lý nguồn lực đầu tư của Nhà nước nhưng cũng cần tạo điều kiện để các đơn vị phát huy quyền tự chủ, đồng thời tránh những quy định chỉ mang tính hình thức và gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Có ý kiến đề nghị không sửa đổi khái niệm “nợ đọng xây dựng cơ bản” mà giữ nguyên như quy định của Luật Đầu tư công hiện hành và cho rằng cần bố trí đủ vốn theo tiến độ thực hiện các dự án để trước mắt kiểm soát về nợ đọng đầu tư, tránh gây sức ép cho chi từ NSNN hằng năm và phù hợp với việc điều hành NSNN theo niên độ.

Ngoài ra, ông Nguyễn Đức Hải cũng cho biết, có ý kiến đề nghị quy định trong luật các nguyên tắc để xác định tổng số vốn phân bổ cho các bộ, địa phương. Đối với địa phương, phải tuân thủ định mức phân bổ do cấp có thẩm quyền ban hành. Đối với các bộ, cơ quan Trung ương, cần dự kiến danh mục cần đầu tư để có căn cứ xác định tổng vốn giao cho từng bộ, cơ quan Trung ương.

Một số ý kiến đề nghị quy định trong luật về tiêu chí lựa chọn dự án, danh mục dự án đầu tư công trung hạn phải dựa trên cơ sở đánh giá hiệu quả đầu tư dự án; có ý kiến đề nghị tăng cường chế tài xử lý trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, sử dụng và bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công;…

Sau khi nghe ý kiến thảo luận của các thành viên UBTVQH, các đại biểu, phát biểu kết thúc thúc thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, UBTVQH nhất trí việc sửa đổi phạm vi và tên gọi của dự án Luật trên cơ sở tùy thuộc vào quá trình rà soát lại nội dung dự án Luật, bảo đảm tháo gỡ khó khăn, hạn chế tối đa sửa những điều chưa cần thiết, hoặc sửa sẽ làm phá vỡ hệ thống pháp luật,…

Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đã nêu lên nhiều vấn đề về các nội dung liên quan đến: Tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia; nguồn vốn; kế hoạch đầu tư công; trình tự thủ tục đầu tư công;… để các cơ quan chủ trì xây dựng dự và thẩm tra dự án luật tiếp tục tiếp thu, bổ sung và hoàn thiện dự án Luật./.

Nguyễn Hoàng

618 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 910
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 910
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87130345