Tại khu vực hồ Lìa (xã Lìa, huyện miền núi Hướng Hóa, Quảng Trị) có hàng chục chiếc bẫy pờ-ran được người dân địa phương giăng đặt để bắt cá tôm. Loại bẫy này chỉ sử dụng vào mùa nắng và thời điểm thu bẫy thường vào buổi trưa, khi trời đang nắng gắt.
Ông Hồ Văn Minh (55 tuổi, ngụ tại thôn A Quan, xã Lìa) cho hay, bẫy pờ-ran được sáng chế từ xa xưa và lưu truyền đến bây giờ. Tại hồ Lìa có khoảng 50 chiếc bẫy pờ-ran của người dân trong thôn giăng đặt. Đối với loại bẫy này, người thạo nghề mỗi ngày có thể làm từ 3-5 cái, mỗi cái mất khoảng 2 giờ đồng hồ. Bẫy pờ-ran chỉ dùng tre, dây rừng kết nên chứ không dùng đến sắt, thép.
Bẫy có hình dáng như chiếc vỏ sò, được đặt chìm, cách bờ khoảng 2-5 mét. Trong lòng bẫy được phủ nhiều cành cây và cỏ dại nhằm tạo bóng râm cho cá tôm vào trú ngụ. Sau 3-5 ngày đặt bẫy, người dân sẽ tiến hành thu bẫy lên bờ để bắt cá tôm. Để đặt và thu bẫy pờ-ran cần từ 3-4 người, vì thế tại thôn A Quan có nhiều hộ dân cùng phối hợp với nhau. Số cá tôm sau khi bắt sẽ được chia đều cho từng người tham gia.
Dưới đây là hình ảnh người Pa Kô thu bẫy pờ-ran để bắt cá tôm:
Ở thôn A Quan nhiều hộ dân phối hợp với nhau đi đặt và lấy bẫy pờ-ran tại khu vực hồ Lìa
Việc kéo bẫy pờ-ran được thực hiện vào lúc giữa trưa vì thời điểm này cá tôm vào bẫy để trú nắng.
Người dân thu bắt số cá vào trú ngụ ở bây pờ-ran cho vào chiếc oi mang theo.
Bẫy pờ-ran sau khi được kéo lên bờ, người dân sẽ bắt hết cá rồi đặt lại vị trí cũ.
Thành quả sau một buổi trưa thu bẫy pờ-ran. Số cá này sẽ chia đều cho mỗi thành viên tham gia đánh bắt.
Đức Nghĩa