Xẻ đồi, ngăn hồ lấy nước để khai thác vàng… trái phép 

Phóng viên Báo Lao Động đã xâm nhập vào địa điểm khai thác vàng trái phép, và ghi nhận việc xẻ đồi, ngăn hồ lấy nước để khai thác vàng trái phép.

Khai thác vàng trái phép đã xử lý, nước sông vẫn đỏ đục

LĐO ngày 17.6.2019 có bài viết "Nước sông Đakrông ô nhiễm, hàng nghìn người dân ở hạ lưu kêu cứu", phản ánh khoảng 2 năm trở lại nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt của cả vạn người ở huyện Đakrông bị ô nhiễm. Nguyên nhân nước bị ô nhiễm được xác định là do việc khai thác vàng trái phép ở huyện A Lưới của tỉnh Thừa Thiên Huế. 

Ông Hồ Dũng - Trưởng phòng TNMT huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, địa điểm khai thác vàng trái phép thuộc khu vực A Pey B của xã Hồng Thủy (huyện A Lưới). Năm 2011, Bộ Tài nguyên Môi trường cấp phép thăm dò vàng cho Cty Cổ phần Đông Trường Sơn, đến ngày 10.5.2017 thì kết thúc thời hạn thăm dò. Tuy nhiên, Cty này rời đi mà không chịu hoàn thổ theo quy định, nên người dân bản địa đã vào khai thác vàng trái phép.

Theo ông Dũng, người dân khai thác vàng nhỏ lẻ, một nhóm chỉ 2 đến 3 người. Khai thác xong đem đi chỗ khác, hoặc đãi vàng tại chỗ nhưng rất thô sơ, nên không ảnh hưởng đến nguồn nước. Trước câu hỏi: Vào những đợt nắng nóng trên diện rộng, không mưa nhưng vì sao nước sông Đakrông vẫn bị nhuộm đỏ? Thì ông Dũng trả lời rằng: Quảng Trị không mưa, nhưng ở Huế thì mưa, nên nước mới đục!

Vàng tặc xúc đất vào bao, đắp thành đê để ngăn một hồ nước lớn rồi đặt máy nổ hút nước lên đãi vàng. Ảnh: Hưng Thơ.

"Vàng tặc" xúc đất vào bao, đắp thành đê để ngăn một hồ nước lớn rồi đặt máy nổ hút nước lên đãi vàng. Ảnh: Hưng Thơ.

Tuy nhiên trong văn bản do bà Trần Thị Hoài Trâm - Chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế  ký lại ghi: Tại khu vực A Pey B trung bình mỗi ngày có khoảng 10-15 người khai thác vàng trái phép bằng hình thức thủ công (sử dụng cuốc, xẻng để đào đất, sàng đãi vàng). UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định đã chỉ đạo Công an huyện A Lưới, UBND các xã Hồng Vân, Hồng Thủy, Phòng Tài nguyên và Môi trường, lực lượng biên phòng… để truy quét, xử lý dứt điểm tình trạng khai thác vàng trái phép khu vực trên.

Nhưng lạ lùng rằng, hằng ngày nước sông Đakrông vẫn đỏ đục, cuộc sống của hàng nghìn người dân vẫn bị ảnh hưởng.

Xẻ cả quả đồi để khai thác vàng

Để đến mỏ vàng A Pey B, nếu đi từ UBND xã Hồng Thủy (huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế) theo đường bê tông rồi rẽ vào thì mất 18km. Chúng tôi mất hơn 3h đồng hồ để đến địa phận thôn 3 của xã Hồng Thủy và chạm mặt khu vực khai thác vàng trái phép.

Quả đồi bị khoét sâu xuống để đào vàng. Ảnh: Hưng Thơ.

Quả đồi bị khoét sâu xuống để đào vàng. Ảnh: Hưng Thơ.

Địa điểm này không một bóng cây, một ngọn đồi bị xẻ sâu xuống mấy chục mét là nơi hoạt động của "vàng tặc". Ngay trước ngọn đồi, là một căn nhà hai tầng bằng bê tông chỉ còn bộ khung làm nơi ở. Cạnh đó là một hồ chứa nước rộng được ngăn lại để phục vụ cho việc đãi vàng.

Suối Li Leng ở hạ nguồn bị ô nhiễm do hoạt động khai thác vàng ở đầu nguồn. Ảnh: Hưng Thơ.

Suối Li Leng ở hạ nguồn bị ô nhiễm do hoạt động khai thác vàng ở đầu nguồn. Ảnh: Hưng Thơ.

Anh T (người đồng bào thiểu số, quê ở xã Hồng Vân, huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế) cùng nhóm 4 người đứng chênh vênh bên vách, họ dùng thuổng đào từng mảng đất để tìm mạch thạch anh chứa vàng. Khi tìm được, họ sẽ đào hầm, lấy đất ở hầm đem đãi hoặc bỏ vào bao đưa về nhà xay.

Cũng ở trên quả đồi đó, phía bên kia "vàng tặc" xẻ nguyên một mảng đồi hình chữ V xuống sâu mấy chục mét, từ đó các hầm vàng được đào vào núi. Người xả đất từ trên vách của quả đồi xuống, người đào hầm, người thì cầm vòi xịt nước để đẩy mớ đất khổng lồ phía dưới…

Khai thác vàng trái phép mà ngăn hồ lấy nước và xẻ cả quả đồi, rồi nổ máy hút nước như vậy, nhưng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định rằng việc khai thác nhỏ lẻ. Vì xác định nhỏ lẻ, vì xác định nước đục do mưa, nên 2 năm nay, cả vạn người đồng bào thiểu số phải sống chung với nước đỏ đục ô nhiễm.

Rời khỏi bãi khai thác vàng trái phép an toàn, tôi dự định đưa những hình ảnh mình thu thập được cho lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhưng trước đó, lãnh đạo tỉnh này chỉ muốn trả lời câu hỏi bằng đường văn bản. Và 5 câu hỏi do PV Báo Lao Động gửi qua email, mất 7 ngày mới có câu trả lời.

HƯNG THƠ

849 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 798
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 798
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76427003