Theo ông Phong, tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân và công cộng sử dụng động cơ đốt trong tại thủ đô Hà Nội quá cao, dẫn đến lượng khí thải quá lớn. Hiện thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai xây dựng hệ thống đường sắt trên cao nhưng chưa hoàn thành. Do đó, để tạm thời khắc phục về mặt khí thải CO2 cho môi trường thủ đô Hà Nội, ông Phong nhận thấy việc sử dụng xe buýt điện chạy ắc quy (Battery Electric Bus) có thể là một giải pháp để cải thiện vấn đề này.
Việc sử dụng xe buýt điện chạy ắc quy sẽ không cần phải đầu tư đường dây điện chạy trên đường như tàu điện hoặc xe buýt điện có cần tiếp điện (Trolley Bus). Với công nghệ mới, quãng đường chạy được ở mỗi lần nạp có thể đạt đến 200km, thời gian nạp ắc quy cũng khá nhanh (chỉ 5 phút cho quãng đường 30km và có thể nạp tại các bến chính).
Ngoài ra, về mặt tiêu hao nhiên liệu thì xe buýt điện chạy ắc quy tiết kiệm đến 600% so với xe buýt chạy nhiên liệu Diezen hoặc khí hóa lỏng CNG và tạo ra lượng khí thải Cacbon dưới 44% so với xe dùng nhiên liệu khí hóa lỏng CNG.
Với mong muốn được cải thiện bầu không khí và môi trường cho Hà nội và các thành phố lớn của Việt Nam, ông Phong đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm triển khai sử dụng xe buýt điện cho các dự án vận tải hành khách công cộng.
Về vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải trả lời như sau:
Việc sử dụng các loại phương tiện giao thông công cộng phát thải ít các bon, sử dụng nhiên liệu mới, nhiên liệu thay thế nhằm giảm phát thải chất gây ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là môi trường không khí tại các đô thị đã được Bộ Giao thông vận tải quan tâm, nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ.
Các nội dung liên quan đến phát triển xe buýt phát thải thấp đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và ban hành tại các Quyết định như: Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 8/3/2012 phê duyệt đề án phát triển vận tải bằng xe buýt đến năm 2020; Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 4/3/2014 phê duyệt Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 1/6/2016 phê duyệt Kế hoạch hành động Quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đầu năm 2025.
Thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã tích cực triển khai, nghiên cứu, đưa vào sử dụng các loại phương tiện giao thông công cộng phát thải ít các bon, sử dụng nhiên liệu mới, nhiên liệu thay thế tại các tỉnh, thành phố.
Cụ thể, đối với xe buýt sử dụng khí thiên nhiên nén (CNG): Thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển đổi sử dụng một phần xe buýt sử dụng dầu diesel sang sử dụng khí thiên nhiên nén (CNG). Tổng cộng hiện có gần 400 xe buýt sử dụng CNG phục vụ hành khách trên địa bàn thành phố.
Đối với xe điện 4 bánh: Bộ Giao thông vận tải đề xuất Thủ tướng Chính phủ chấp thuận thí điểm sử dụng xe điện 4 bánh thay thế các loại phương tiện sử dụng nhiên liệu hoá thạch phục vụ khách tham quan, du lịch tại các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hoá, Quảng Bình, Khánh Hoà, Hải Phòng, Đà Nẵng, Lào Cai, Thừa Thiên – Huế, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ… Thực tế quá trình triển khai cho thấy xe điện 4 bánh tạo điều kiện phát triển du lịch và văn minh đô thị, giảm ô nhiễm môi trường đô thị, được đông đảo người dân ủng hộ.
Đối với xe buýt điện: Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế CHLB Đức (GIZ) nghiên cứu, xây dựng dự án phát triển xe buýt điện và xe buýt lai diesel – điện tại một số đô thị lớn của Việt Nam.
Qua nghiên cứu kinh nghiệm của các nước, đây là loại phương tiện công cộng phát thải thấp có tiềm năng áp dụng nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các đô thị. Tuy nhiên, việc sử dụng xe buýt điện cần vốn đầu tư ban đầu lớn và hệ thống trạm sạc điện kèm theo nhằm đảm bảo duy trì hoạt động.
Để hỗ trợ doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tiếp cận với nguồn tài trợ quốc tế để đầu tư, thay thế các loại xe buýt diesel sang xe buýt điện, Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng đề xuất dự án Hành động giảm nhẹ phù hợp điều kiện quốc gia (NAMA) về xe buýt các bon thấp tại Việt Nam gửi đến Quỹ Hỗ trợ NAMA (NAMA Facility) để kêu gọi tài trợ. Nếu đề xuất Dự án được chấp thuận, các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ sẽ được tài trợ khoản tiền chênh lệch khi đầu tư xe buýt điện hoặc xe buýt lai diesel – điện để thí điểm phát triển xe buýt sạch, tiến tới nhân rộng loại hình xe buýt này tại các đô thị lớn nhằm cải thiện chất lượng không khí.
Chinhphu.vn