Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) không chỉ tạo ra giá trị mới cho xã hội, mà còn có khả năng mở rộng và phát triển nhanh chóng, tạo ra giá trị kinh tế lớn đối với bản thân và cả quốc gia. Tuy nhiên, để phát triển những doanh nghiệp này không phải việc đơn giản, họ cần rất nhiều hỗ trợ từ công nghệ, nhân lực, kiến thức, cơ sở vật chất, kỹ thuật đến vốn, cơ sở pháp lý…, tất cả điều kiện đó gộp lại chính là hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST. Bởi vậy, để có thể phát triển được các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST rất cần có một hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST hoàn thiện và bền vững.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Lao động)
Doanh nghiệp khởi nghiệp gặp nhiều khó khăn để phát triển
Hiện nay, không ít ý kiến cho rằng phần lớn chúng ta chỉ mới “nghe nói” về hệ sinh thái khởi nghiệp chứ chưa thật sự hiểu rõ bản chất của nó. Trao đổi về vấn đề này, TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, việc chúng ta chưa hiểu rõ về hệ sinh thái khởi nghiệp cũng là chuyện bình thường, bởi chúng ta mới bước vào nền kinh tế thị trường chưa được bao lâu và rất nhiều vấn đề của nền kinh tế thị trường cũng chưa tiếp nhận được.
Theo TS. Nguyễn Quân, để có một hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn thiện và đầy đủ thì trước hết những người làm quản lý phải hiểu rõ về nó, xây dựng được một hệ thống luật pháp thúc đẩy nó phát triển, đồng thời các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng phải hiểu được nó để tận dụng hiệu quả tất cả những kênh hỗ trợ từ hệ sinh thái khởi nghiệp.
Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy, mặc dù các cấu phần cho hệ sinh thái đã đầy đủ nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng khởi nghiệp. Các doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, chưa thể bùng nổ như các nước khác. Có rất nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân có thể kể tới đó là hệ thống luật pháp chưa được hoàn thiện. Cho đến nay, đầu tư mạo hiểm chưa quy định ở bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào. Mới đây, Chính phủ có trình Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó lần đầu tiên đề cập đến đầu tư mạo hiểm. Tuy nhiên, mới dừng ở khái niệm câu chữ, chứ chưa có quy định thật là cụ thể để hỗ trợ cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp.
Đặc biệt, năm 2013, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thí điểm xây dựng “Đề án hỗ trợ khởi nghiệp theo mô hình thung lũng Silicon” của Hoa kỳ. Trong 4 năm vận hành, mặc dù còn rất nhiều khó khăn những có thể nói đây là một đề án thành công, hỗ trợ cho rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là từ Quỹ đầu tư mạo hiểm và họ định giá doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam tương đối cao.
Tuy nhiên, song song với việc đầu tư, các Quỹ này đều tìm cách lôi kéo doanh nghiệp khởi nghiệp ra các nước lân cận trong khu vực. Chính điều này gây thiệt thòi lớn cho nền kinh tế thị trường bởi doanh nghiệp khởi nghiệp là những doanh nghiệp có giá trị gia tăng lớn, doanh thu cao, nhưng nếu đăng ký hoạt động ở nước ngoài đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải đóng thuế tại nước ngoài.
“Nếu chúng ta xây dựng được hệ thống luật pháp tốt thì các nhà đầu tư yên tâm đầu tư, các doanh nghiệp khởi nghiệp đăng ký hoạt động tại Việt Nam, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, đóng thuế cho Việt Nam thì chúng ta sẽ thuận lợi hơn rất nhiều”. TS. Nguyễn Quân chia sẻ.
Phát triển chiều sâu, tránh kiểu phong trào
Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù khởi nghiệp ĐMST có tính mạo hiểm cao, độ rủi ro lớn, thất bại nhiều nhưng một khi thành công đem lại giá trị gia tăng rất cao cho nền kinh tế. Vì vậy mà chúng ta cần phải thúc đẩy tính sáng tạo, tính khởi nghiệp, làm sao để giới trẻ dám chấp nhận, đã khởi nghiệp thì phải chấp nhận thất bại, coi thất bại là sự thành công về mặt nào đó để doanh nghiệp không nản lòng mỗi khi gặp thất bại.
Để tránh khởi nghiệp theo kiểu phong trào, Chính phủ cũng như các cơ quan quản lý cần tập trung vào khởi nghiệp ĐMST, nghĩa là phải tập trung vào ứng dụng, nghiên cứu, triển khai để tạo ra được công nghệ mới, tạo ra những kết quả nghiên cứu mới khả thi có thể ứng dụng vào trong sản xuất kinh doanh. Chỉ những người có ý tưởng sáng tạo như thế, khi tạo dựng doanh nghiệp mới có được những doanh nghiệp ĐMST, mới có được những mô hình doanh nghiệp tương tự như là Intel, Uber…, thậm chí như là Apple, Microsoft.
Những doanh nghiệp khởi nghiệp ấy có thể có những đóng góp rất lớn cho nền kinh tế, trong khi ban đầu chỉ manh nha từ ý tưởng công nghệ, nhưng khi được các Quỹ đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư quan tâm, được cả hệ thống chính sách hỗ trợ thì nó sẽ trở thành những "ông lớn" trong nền kinh tế.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, giai đoạn 2012 - 2016 chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể về cả số lượng và chất lượng của các cơ sở ươm tạo và thúc đẩy kinh doanh khi hiện nay có gần 2.000 doanh nghiệp khởi nghiệp, 21 cơ sở ươm tạo và 7 tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Với tiềm năng này ngày càng có nhiều các quỹ nước ngoài mong muốn đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, có một nghịch lý, trong khi các Quỹ đầu tư nước ngoài thì mong muốn đầu tư vào trong nước, còn chúng ta hiện vẫn chưa có Quỹ đầu tư mạo hiểm dành cho những ý tưởng khởi nghiệp tốt.
Theo TS. Nguyễn Quân, nguyên nhân do chúng ta mới bước chân vào nền kinh tế thị trường, trong khi ở các nước phát triển có kinh nghiệm hàng trăm năm về phát triển các Quỹ này. Chính vì thế, chúng ta phải tìm hiểu nó trước, từ cơ chế vận hành, đầu tư, chia sẻ lợi nhuận và chấp nhận rủi ro, thất bại như thế nào, rồi các hệ thống hỗ trợ, kể cả chính sách thuế…
TS. Nguyễn Quân cho rằng, vốn dĩ mạo hiểm rất dễ thất bại, nhưng những người trẻ có ý tưởng tốt mà không có nhà đầu tư thì sẽ khó thành công. Đó là bài học của các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Microsoft, Apple, Facebook...Để có một trào lưu khởi nghiệp mạnh cần phải xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư mạo hiểm. Để làm được điều đó, chắc chắn chúng ta phải cụ thể hóa một ý tưởng trong Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ vừa rồi, tức là nên sớm có Nghị định của Chính phủ về đầu tư mạo hiểm và Quỹ đầu tư mạo hiểm.
Tiếp đến cần phải hỗ trợ cho một thành phần kinh tế xây dựng ngay một hệ thống các tổ chức dịch vụ trong hệ sinh thái khởi nghiệp, giúp cho doanh nghiệp khởi nghiệp định giá sản phẩm của mình, giúp doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, làm sao có thị phần nhất định trong thị trường, cũng như giúp doanh nghiệp tìm các nhà đầu tư, các nguồn đầu tư.
“Chúng ta cũng cần phải hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong việc định giá và bảo hộ sở hữu trí tuệ. Những Bằng sáng chế, những ý tưởng sáng tạo, những kết quả nghiên cứu của doanh nghiệp phải được pháp luật bảo hộ tránh sự cạnh tranh không lành mạnh trong thị trường. Chúng ta cũng phải giúp cho doanh nghiệp giám định các kết quả nghiên cứu nếu như họ mua hoặc họ tiếp nhận từ các Viện nghiên cứu, các trường đại học hoặc nhập khẩu từ các nguồn nước ngoài”, TS. Nguyễn Quân chia sẻ./.
Bích Liên