Xây dựng văn hóa số trong bối cảnh hiện nay 

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư không chỉ thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, mà còn có tác động mạnh mẽ và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, con người; làm thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi, lối sống của con người, từ đó hình thành nên văn hóa số.

Văn hóa số được hiểu là phương thức và hoạt động văn hóa (sáng tạo, lưu giữ, truyền bá, tiếp nhận, thưởng thức,...) của cá nhân và cộng đồng trên cơ sở ứng dụng các phương tiện và công nghệ kỹ thuật số; là các quy tắc ứng xử (lối sống, ứng xử, phương cách giao tiếp, làm việc,...) và chuẩn mực đạo đức, pháp luật của con người trong môi trường số. Văn hóa số giúp mọi người tiếp cận lượng tri thức văn hóa đồ sộ của toàn nhân loại đã hình thành trong quá trình lịch sử và sản sinh ra những giá trị văn hóa mới trên nền tảng số. Ngoài các phương tiện truyền thông truyền thống thì sự ra đời của các phương tiện truyền thông mới - truyền thông xã hội, như Facebook, Twitter, Youtube, Instagram, Zalo, Tik Tok... đã trở thành các kênh thông tin thu hút công chúng và trở thành hiện tượng văn hóa mới, là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa đa dạng và phong phú, đưa văn hóa đến được mọi tầng lớp nhân dân, thu hẹp khoảng cách tiếp cận và thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền trong nước và các khu vực trên thế giới. 

Trong bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: “Xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Do vậy, xây dựng văn hóa số cũng như môi trường văn hóa số là vấn đề vừa có tính cấp thiết, vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài, cần sớm được triển khai một cách đồng bộ để góp phần định vị và củng cố sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.

Việc xây dựng văn hóa số ở nước ta hiện nay bao gồm nhiều nội dung, trong đó có thể kể ra những nhiệm vụ cơ bản như: đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa; xây dựng di sản văn hóa số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; xây dựng con người thời đại số, công dân số và văn hóa ứng xử trên môi trường số; tổ chức thực hiện nghiêm Luật An ninh mạng năm 2018 và các quy định pháp luật liên quan trên không gian mạng.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng văn hóa số, bên cạnh yếu tố công nghệ, cần chú trọng yếu tố nội dung tư tưởng, ý nghĩa xã hội, nhân văn của các hoạt động văn hóa, sản phẩm văn hóa được thực hiện bằng công nghệ số, trên môi trường số. Đặc biệt chú ý vai trò, phẩm chất, năng lực của cán bộ quản lý văn hóa, nhà văn hóa, văn nghệ trong mối tương tác với công nghệ. Bên cạnh đó, cần nhận thức đầy đủ mặt trái và thách thức của công nghệ số, đặc biệt là các tác động tiêu cực của truyền thông xã hội, các cách thức thông tin giao tiếp trên không gian mạng với những “nguy cơ”, “bất trắc” khó lường...; cần nắm bắt kịp thời các vấn đề xâm phạm bản quyền tác giả, sở hữu trí tuệ, an ninh quốc gia, an ninh thông tin, an ninh văn hóa, an ninh con người, tội phạm công nghệ cao, hay những sản phẩm thông tin lệch lạc, sai trái, chạy theo thị hiếu tầm thường...; từ đó có các biện pháp chủ động ứng phó và kiểm soát kịp thời, hiệu quả.

Đối với tỉnh Quảng Trị, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những năm qua, các cấp, các ngành đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển hạ tầng kỹ thuật, nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các lĩnh vực, hoạt động  trong đó, vấn đề xây dựng môi trường văn hóa số được tỉnh hết sức quan tâm. Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, Nghị quyết, Quyết định về lĩnh vực này: Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 04/11/2021 của Tỉnh ủy Quảng Trị về chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1982/QĐ-UBND, ngày 29/7/2022 của UBND tỉnh về việc ban hành Đề án Chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030… Nhiều hội thảo, hội nghị tập huấn về chuyển đổi số cũng đã được các cấp, ngành tổ chức.

Tỉnh đã thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển văn hóa số, chú trọng ứng dụng khoa học, công nghệ vào đẩy mạnh triển khai hoạt động văn hóa, xây dựng kế hoạch số hóa lĩnh vực văn hóa: Xây dựng kế hoạch chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa theo tinh thần của Nghị quyết số 02-NQ/TU, qua đó, thực hiện xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về lễ hội ở Quảng Trị; số hóa dữ liệu các di sản văn hóa đã được kiểm kê và xếp hạng; số hóa lĩnh vực bảo tàng; duy trì và phát triển hệ thống Thư viện số, xây dựng lộ trình phấn đấu đến năm 2030 trở thành thư viện tổng hợp theo hướng hiện đại theo Quyết định 2175/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về triển khai “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trên tinh thần đó, thời gian qua, Thư viện tỉnh cũng đã phối hợp với Thư viện Thành phố Hồ Chí Minh triển khai công tác số hóa tài liệu Hán - Nôm trên địa bàn tỉnh (với 27.942 trang (file) tài liệu Hán - Nôm), đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”. Ngoài ra, từ tháng 10/2022, tỉnh đã thực hiện chuyển đổi số tại Di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ, du khách đến tham quan, thăm viếng nơi đây có thể quét 2 mã QR để xem được 2 nội dung: Giới thiệu đại sách độc bản kỷ lục chấu Á và thế giới “Huyền thoại Thành Cổ Quảng Trị (81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa 1972)” và “Tour 360 Thành Cổ Quảng Trị”. Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền thông qua các trang mạng xã hội, từng bước chuyển công tác tuyên truyền về văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh lên môi trường số: Tăng cường bài viết tuyên truyền trên các Fanpage và group mạng xã hội Facebook, Cổng thông tin điện tử các cơ quan, đơn vị, địa phương. Gần đây nhất, vào tháng 7/ 2024, đêm Khai mạc Lễ hội Vì Hòa bình 2024 tại Quảng Trị đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả với sự phức hợp các hình thức nghệ thuật, ứng dụng công nghệ hiện đại tạo bối cảnh, âm thanh, ánh sáng cho sân khấu, đặc biệt là màn trình diễn số lượng lớn thiết bị bay không người lái trên nền trời đêm…

Trong bối cảnh mới hiện nay, việc xây dựng văn hóa số là một phần quan trọng của sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam, làm cho các giá trị văn hóa dân tộc vượt qua giới hạn thời gian và không gian để lan tỏa và phát triển bền vững. Văn hóa số không thay thế, triệt tiêu văn hóa truyền thống của dân tộc ta hàng nghìn năm nay mà bổ sung một cách tích cực, làm phong phú và đa dạng, hiện đại nền văn hóa dân tộc, góp phần vào việc chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, xây dựng Việt Nam thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế; từng bước gia tăng sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong bối cảnh mới./. Minh Huyền

88 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 580
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 580
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 89006477