Kết quả thực hiện quy chế dân chủ trong các loại hình ở cơ sở
Thực hiện các nghị định của Chính phủ và được thay thế Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội “về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội đã tập trung chỉ đạo thực hiện cơ bản đầy đủ, có hiệu quả, những nội dung “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, công khai cho Nhân dân quyết định và giám sát, các dự án, quy hoạch sử dụng đất, khu, cụm công nghiệp, mức giá bồi thường thu hồi đất, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chương trình xây dựng nông thôn mới, phương án và dự toán, quyết toán ngân sách xã; các quy định về thủ tục hành chính; đối tượng, mức thu các loại phí, lệ phí và nghĩa vụ tài chính khác do chính quyền cấp xã trực tiếp thu, chính sách an sinh xã hội, chương trình vay vốn phát triển sản xuất, giảm nghèo, kế hoạch điều chỉnh địa giới hành chính..., thông qua hệ thống truyền thanh, các cuộc họp thôn, bản, tổ dân phố, niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn, nhà văn hóa thôn, bản, khu phố; việc tổ chức các cuộc họp dân theo định kỳ được thực hiện khá tốt. Tổ chức cho Nhân dân phát huy quyền làm chủ trong việc bàn, quyết định các công việc của thôn, bản, tổ dân phố phù hợp với quy định của pháp luật.
Thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm chỉ đạo bằng nhiều giải pháp đồng bộ và đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần đưa các xã sớm hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới. Từ việc làm cho “dân hiểu”, người dân đã đồng thuận, tự nguyện, tích cực tham gia thực hiện, đóng góp xây dựng nông thôn mới. Các cơ chế, chính sách đã được Nhân dân bàn bạc và hưởng ứng mạnh mẽ, đóng góp công sức với hàng trăm tỉ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng…; trật tự trị an trong đời sống cộng đồng ngày càng ổn định, vai trò tự quản ở cơ sở được phát huy; ổn định, đời sống, sản xuất của Nhân dân sau sự cố môi trường biển. Thực tiễn cho thấy, thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn là một chủ trương đúng đắn, hợp "Ý Đảng, lòng dân", nên được Nhân dân đồng tình, ủng hộ và hưởng ứng. Ở nhiều địa phương, trong hoạt động, chính quyền cơ sở đã chủ động, tích cực hơn trong việc đối thoại và lắng nghe ý kiến, kiến nghị, bức xúc của Nhân dân để tập trung giải quyết tốt những nguyện vọng lợi ích chính đáng của Nhân dân.
Các cấp ủy đảng, chính quyền tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân trực tiếp giám sát thông qua Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, Tổ nhân dân tự quản, tập trung vào giám sát: kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đạo đức, lối sống, ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân của CBCC,VC; các công trình, dự án do địa phương làm chủ đầu tư, nhất là các công trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; quy trình sát nhập, sắp xếp tinh gọn lại các chức danh cán bộ thôn, bản, khu dân cư, khu phố... Qua giám sát và phản ánh của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, các trường hợp vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm đều được chính quyền giải quyết kịp thời thỏa đáng đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân.
Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn góp phần nâng cao ý thức về quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; xây dựng nông thôn mới; bảo đảm an sinh xã hội; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, tạo động lực góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, cơ sở, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.
Việc thực hiện dân chủ trong các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp theo các nghị định của Chính phủ qua các thời kỳ và Nghị định số 04/2015/NĐ-CP, ngày 09/102015 của Chính phủ, Thông tư số 01/2016/TT-BNV, ngày 13/01/2016 của Bộ Nội vụ gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ chuyên môn và vai trò, trách nhiệm của CBCC trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị; xây dựng, bổ sung nội quy, quy chế, thực hiện công khai chế độ chính sách, chương trình, kế hoạch công tác, các vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của CBCC,VC; chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc của CBCC nhằm nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm phục vụ Nhân dân; xây dựng các quy trình, quy định trong điều hành, quản lý hoạt động của cơ quan, đơn vị; quy định chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của CBCC, VC đảm bảo quyền“được biết, được bàn, được tham gia, được kiểm tra, giám sát” trong quá trình thực hiện. Việc thực hiện QCDC đã được các cấp uỷ Đảng, lãnh đạo cơ quan, BCĐ thực hiện QCDC ở cơ sở, BCH Công đoàn và các đoàn thể phát huy được trách nhiệm trong lãnh đạo, phối hợp tổ chức thực hiện. Việc tổ chức hội nghị CBCC hàng năm được tiến hành nghiêm túc, đi vào nề nếp.
Các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo sắp xếp tổ chức, bộ máy, luân chuyển cán bộ; xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ; rà soát, bãi bỏ một số văn bản không phù hợp, các thủ tục phiền hà; đăng tải công khai, dân chủ các thông tin và giải quyết thủ tục hành chính qua hệ thống thông tin điện tử, trang web. Mô hình một cửa điện tử hiện đại trong giải quyết các thủ tục hành chính đã được triển khai hiệu quả ở nhiều cơ quan, đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh. Các ngành, các cấp trong tỉnh tích cực thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ “Về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2016-2020” tạo được sự chuyển biến rõ nét trong công tác CCHC của tỉnh. Kết quả xếp hạng chỉ số CCHC của tỉnh đạt kết quả khá tích cực.
Thực hiện các nghị định của Chính phủ và Nghị định số 60/2013/NĐ-CP, ngày 19/6/2013 của Chính phủ “Quy định chi tiết khoản 3 Điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc” được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện. Các loại hình doanh nghiệp đã cụ thể hoá nội dung Bộ luật Lao động, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để cán bộ, công nhân viên, người lao động được bàn, được kiểm tra, giám sát thông qua các hình thức đối thoại qua Ban chấp hành Công đoàn cơ sở để triển khai các nội dung lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, công nhân viên và người lao động trước khi người đứng đầu công ty ban hành quyết định, như: xây dựng thang bảng lương, thoả ước lao động tập thể; công khai các chế độ, chính sách liên quan đến người lao động... thực tế cho thấy các doanh nghiệp đã chủ động xây dựng các quy chế, quy định nhằm thực hiện dân chủ, gắn kết hài hoà lợi ích giữa doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động. Mặc dù các doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nhưng đã nỗ lực trong thực hiện QCDC, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tỉ lệ trốn nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN của các doanh nghiệp có chiều hướng giảm hàng năm…Tổ chức Công đoàn các cấp đã chủ động phối hợp với Ban giám đốc các doanh nghiệp xây dựng chương trình thực hiện QCDC trong doanh nghiệp; nhiều phong trào thi đua yêu nước được phát động, người lao động đã phát huy quyền làm chủ tập thể trong doanh nghiệp, góp phần phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Việc thực hiện chủ trương cổ phần hoá, chuyển đổi doanh nghiệp của Chính phủ khá thuận lợi, đảm bảo hài hoà lợi ích của nhà nước, của người lao động; đồng thời đảm bảo sự ổn định quá trình sản xuất, phát triển của doanh nghiệp. Năm 2017, có 46/56 doanh nghiệp thuộc Đảng ủy khối doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động, 142/213 doanh nghiệp (có tổ chức Công đoàn) tổ chức Hội nghị người lao động, đạt tỷ lệ 67%. Thông qua hội nghị, người lao động được biết, bàn bạc và tham gia ý kiến công khai dân chủ về phương án sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng cơ bản; tài chính, phân phối thu nhập, thuế doanh nghiệp, tỷ lệ trích lập các quỹ trong doanh nghiệp. Việc thực hiện dân chủ trong loại hình hợp tác xã được các cấp chỉ đạo, triển khai thực hiện theo Luật Hợp tác xã năm 2012.
Qua 20 năm thực hiện, Chỉ thị 30-CT/TW thực sự đã đi vào cuộc sống và đạt kết quả toàn diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở được cụ thể hóa thực hiện phù hợp với điều kiện phát triển của tỉnh và các địa phương. Chế độ dân chủ đại diện được phát huy; chất lượng và hiệu quả hoạt động HĐND, UBND các cấp, ngày càng được nâng cao; cải cách hành chính đạt được nhiều kết quả tích cực. Dân chủ trực tiếp ở cơ sở được mở rộng, Nhân dân được biết, được bàn và quyết định những công việc thiết thực gắn liền với lợi ích của mình; quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân được bảo vệ. Phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã được cụ thể hóa đi vào cuộc sống. Công tác tuyên truyền, giáo dục từng bước được đổi mới và trọng tâm, trọng điểm. Công tác giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền gắn với việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở được Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân chú trọng triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả…
Việc thực hiện tốt QCDC ở cơ sở đã phát huy vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và đồng thuận trong xã hội hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, giữ vững QP-AN; xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh. Từ kết quả nêu trên, một lần nữa khẳng định tính đúng đắn Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VIII, thể hiện một bước tiến về dân chủ xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu chính đáng của nhân dân, được cả hệ thống chính trị nghiêm túc, tích cực triển khai, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong suốt 20 năm qua.
Một số hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện
Trong quá trình triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn còn nổi lên một số hạn chế nhất định: Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên, kịp thời, chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với người lao động và người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước.
Việc thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” có khâu còn hình thức; việc phát huy vai trò, trách nhiệm của nhân dân tham gia bàn và quyết định các vấn đề của địa phương có nơi hạn chế; hình thức, phương pháp nhân dân tham gia giám sát, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền ở một số nơi chưa được mở rộng; hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng một số nơi hiệu quả còn thấp.
Việc triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở trong các loại hình doanh nghiệp ngoài quốc doanh, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động còn nhiều hạn chế, không ít doanh nghiệp chưa thực hiện tốt các quy định về chế độ bảo hộ lao động, BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động; chưa tổ chức thương lượng và ký thoả ước lao động tập thể hoặc đã ký nhưng chưa bảo đảm quyền lợi cho người lao động; tổ chức đối thoại với người lao động còn hình thức, hạn chế, chưa đảm bảo thời gian theo quy định của pháp luật; chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm của người lao động trong việc thực hiện các quyền dân chủ, tự bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, họp pháp và tham gia phát triển doanh nghiệp.
Bài học kinh nghiệm
Thứ nhất, cần xác định rõ vai trò trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW trách nhiệm của ủy Đảng, của cả hệ thống chính trị và người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị. Thực tiễn cho thấy, quy chế dân chủ chỉ được thực hiện tốt khi cấp uỷ, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát, đây là yếu tố quyết định sự thành công trong việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở.
Thứ hai, thực hiện tốt QCDC ở cơ sở phải luôn thể hiện rõ vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, CCVC; đẩy mạnh việc tự phê bình và phê bình, xây dựng nội bộ Đảng, cơ quan, đơn vị đoàn kết, thống nhất, gắn với nhiệm vụ chính trị địa phương, đơn vị. Thực hiện có hiệu quả công tác CCHC gắn với thực hiện công tác dân vận chính quyền; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, đạo đức công vụ; xử lý nghiêm minh đối với các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo của công dân; kiên quyết đấu tranh, xử lý đối với những trường hợp lợi dụng dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước làm mất ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Thứ ba, xây dựng và thực hiện tốt QCDC ở cơ sở phải phát huy được nguồn lực, tiềm năng to lớn trong Nhân dân thông qua việc xây dựng thành các quy chế, quy định, quy trình công khai, dân chủ, minh bạch các hoạt động diễn ra ở cơ sở, nhất là các lĩnh vực có liên quan đến lợi ích tập thể và quyền, lợi ích hợp pháp của các tầng lớp nhân dân.
Thứ tư, nâng cao chất lượng dân chủ đại diện, mở rộng dân chủ trực tiếp; tăng cường đối thoại, tiếp xúc và đổi mới các hình thức lấy ý kiến tham gia của Nhân dân, tích cực vận động Nhân dân thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân; kết hợp phát động các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời chăm lo đời sống vật chất, tinh thần Nhân dân, xem đây làcơ sở cần thiết, quan trọng cho việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở.
Thứ năm, quan tâm củng cố, kiện toàn, phát huy vai trò của BCĐ thực hiện QCDC ở cơ sở các cấp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu và chỉ đạo thực hiện; chú trọng công tác hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra, giám sát; sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, khen thưởng kịp thời những đơn vị, cá nhân có thành tích trong thực hiện QCDC; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự lan toả trong xã hội.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả thực hiện QCDC ở xã, phường, thị trấn, trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành trong tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai, quán triệt, phổ biến, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về dân chủ và việc thực hiện QCDC ở cơ sở. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở; đẩy mạnh việc thực hiện QCDC ở xã, phường, thị trấn. Gắn việc thực hiện QCDC ở cơ sở với thực hiện hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “Một cửa”, công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của nhân dân. Nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở các cấp; Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng ở cơ sở. Tăng cường thanh tra, giám sát tại cơ sở; bảo đảm công khai, minh bạch trong việc đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi công cộng, các công trình xây dựng NTM có sự đóng góp của nhân dân. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đề nghị Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC Trung ương xây dựng tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện dân chủ ở cơ sở làm căn cứ để các đơn vị cơ sở đánh giá, xếp loại chính xác và thống nhất; chỉ đạo thống nhất bằng văn bản việc cấp kinh phí hoạt động cho Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương./. T.T