Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chủ trì hội nghị. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Lê Quốc Phong cho biết, với sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, thời gian qua, hệ thống chính sách phát triển thanh niên ở Việt Nam đã hình thành cơ bản về khung thể chế. Các quy định về chính sách của Nhà nước đối với thanh niên trong học tập đã được cụ thể hóa thành các đề án, chiến lược, kế hoạch hành động cụ thể, qua đó tạo điều kiện, cơ hội cho thanh niên tiếp cận với học tập, miễn, giảm học phí đối với thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên yếu thế, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn. Trong lĩnh vực lao động và việc làm, nhiều chính sách được thực hiện tốt như: Chính sách giới thiệu, hỗ trợ thanh niên tìm kiếm việc làm; chính sách cho vay vốn khởi nghiệp, phát triển kinh tế; chính sách hỗ trợ lao động nữ học nghề.

Trong những năm qua, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều chủ trương nhằm khích lệ, động viên, đồng hành, hỗ trợ, phát huy vai trò của thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt quan tâm đến các đối tượng thanh niên trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo như: Đề án Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chung tay xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2013 – 2020; Đề án xây dựng Làng Thanh niên lập nghiệp giai đoạn 2013 – 2020; Kết luận số 76 KH/TWĐTN ngày 12/6/2013 của Ban Bí thư về việc “Xây dựng lực lượng cốt cán chính trị trong thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên tín đồ tôn giáo”…

Đoàn, Hội các cấp đã phối hợp với cơ quan công tác dân tộc cùng cấp tham mưu cho Đảng, Chính phủ, cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách đặc thù về học tập, nghề nghiệp, việc làm, vui chơi… cho thanh niên dân tộc thiểu số. Ngoài ra, các phong trào do Đoàn, Hội tổ chức đã hướng đến đối tượng thanh niên lao động tự do, thanh niên yếu thế, thanh niên chậm tiến, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn giúp họ tạo lập cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Thông tin về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến thanh niên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân chỉ rõ, từ năm 2011 đến nay, Bộ đã nghiên cứu, đề xuất xây dựng dự án Luật Thanh niên (sửa đổi); xây dựng chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ trẻ; thực hiện chính sách đối với cựu thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến đồng thời huy động nguồn lực của các tổ chức quốc tế để xây dựng, thực hiện chính sách phát triển thanh niên.

Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu đã chỉ ra những khó khăn, bất cập trong thực hiện chính sách phát triển thanh niên về học tập, chính sách phát triển thanh niên trong lao động, việc làm. Cụ thể, chính sách thu hút, đãi ngộ cán bộ quản lý, giảng viên còn thiếu; mức hỗ trợ chính sách còn thấp. Bên cạnh đó, chính sách xây dựng và phát triển hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc bố trí nguồn vốn cho các dự án đã được phê duyệt còn chậm dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện.

Các đại biểu đánh giá, nhiều quy định trong Luật Thanh niên còn chung chung, chưa sát, chưa theo kịp sự phát triển của thanh niên. Một số quy định của Luật Thanh niên khó triển khai thực hiện trong thực tiễn cuộc sống. Trên thực tế, Luật Thanh niên và các văn bản hướng dẫn thực hiện chưa có những chế tài đủ mạnh để điều chỉnh các hoạt động quản lý Nhà nước về thanh niên nên chưa có sự nhận thức, hành động đầy đủ; chưa có sự đầu tư đúng mức về phát triển thanh niên gắn với phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và phát triển bền vững. Ngoài ra, các quy định của Luật về chính sách phát triển thanh niên khá toàn diện trong khi nguồn lực có hạn nên khoảng cách giữa chính sách và thực tế còn khá xa.

Các đại biểu nhấn mạnh, chính sách phát triển thanh niên là để chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng, phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của thanh niên, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, cần có cơ chế đặc thù, tạo bước đột phá về chính sách phát triển thanh niên, đồng thời thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả chính sách này ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu phải có thay đổi căn bản, mạnh mẽ về công tác thanh niên trong thời gian tới. Các bộ, ngành cần tích cực tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội sửa đổi Luật Thanh niên, các chính sách phát triển thanh niên, đáp ứng nguyện vọng và phát huy hơn nữa vai trò của thanh niên trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chỉ rõ, chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác thanh niên cơ bản đã được thể chế hóa thông qua Hiến pháp, các luật, nghị định. Nhiều chính sách về thanh niên được ban hành kịp thời, công tác tập hợp rộng rãi thanh niên có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, công tác tham mưu, đề xuất nội dung chính sách về thanh niên ở một số ngành, địa phương, lĩnh vực còn hạn chế; nhiều nội dung trong công tác phối hợp còn chưa chặt chẽ; chưa có nguồn lực cụ thể để thực hiện các chính sách đã ban hành…

Để việc xây dựng và thực hiện chính sách phát triển thanh niên đạt hiệu quả, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, các cơ quan của Quốc hội tăng cường công tác giám sát. Bộ Nội vụ phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổng kết một số chương trình, dự án điểm về thanh niên; từ đó có những chính sách thỏa đáng trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng lưu ý, việc nghiên cứu, sửa đổi Luật Thanh niên được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Do đó, năm 2018, các đơn vị phải tổng kết, đánh giá tác động, phạm vi điều chỉnh của Luật này, đảm bảo thống nhất với các luật khác./.

 

Phan Phương/TTXVN