Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí: Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Phan Đình Trạc, Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương…
Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về tình hình thực hiện Nghị quyết và các Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị và các văn bản pháp luật của Nhà nước về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Dân vận; mối quan hệ của Ban Dân vận Trung ương với các cơ quan hữu quan, các tổ chức có gì đổi mới, những khó khăn, thuận lợi, nhất là những nội dung có biểu hiện chồng chéo, có khả năng rút gọn được cơ cấu tổ chức, biên chế của Ban Dân vận Trung ương và hệ thống dân vận hiện nay như thế nào. Đây là vấn đề rất quan trọng vì liên quan đến tinh giản biên chế Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội. Trên cơ sở phân tích và làm rõ những hạn chế, các đại biểu kiến nghị những giải pháp đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và xây dựng tổ chức bộ máy Ban Dân vận tinh gọn, hiệu quả trong thời gian tới.
Trình bày báo cáo về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và xây dựng tổ chức bộ máy Ban Dân vận tinh gọn, hiệu quả, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Ngô Thị Doãn Thanh cho biết, Đảng luôn quan tâm, chú trọng việc lãnh đạo và đổi mới phương thức lãnh đạo đối với công tác dân vận và tổ chức bộ máy dân vận các cấp. Nhiều nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy chế, quy định của Đảng về dân vận, công tác dân vận được ban hành. Các cấp uỷ đã chú trọng đến công tác dân vận, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế cán bộ thông qua việc triển khai Nghị quyết số 25-NQ/TW. Tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác dân vận của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương ngày càng được tăng về số lượng và nâng cao về chất lượng, từng bước đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Hoạt động của hệ thống dân vận các cấp có nhiều đổi mới, chủ động, thiết thực, hiệu quả trong công tác tham mưu, phối hợp tốt với các lực lượng, cơ quan, ban, ngành triển khai thực hiện công tác dân vận đồng bộ và hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ những hạn chế, bất cập trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận và tổ chức bộ máy ban dân vận các cấp. Việc cụ thể hoá phương thức lãnh đạo của Đảng đã được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, nhất là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội còn chậm. Bên cạnh đó, việc nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân chậm được đổi mới; vẫn còn tình trạng một bộ phận cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành có tác phong quan liêu, xa dân. Công tác kiểm tra, giám sát, giải quyết vấn đề phát sinh, điểm nóng ở một số nơi còn lúng túng.
Ban Dân vận Trung ương kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, sửa đổi chức năng, nhiệm vụ của các ban Đảng Trung ương, đáp ứng yêu cầu là cấp tham mưu cấp chiến lược cho Đảng về công tác xây dựng Đảng; củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và bố trí cán bộ của các Ban Đảng hợp lý và đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ được phân công. Đối với tổ chức, bộ máy dân vận cấp quận, huyện nghiên cứu sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ theo hướng bố trí đồng chí uỷ viên thường vụ là Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch MTTQ; thành lập văn phòng chung cho các Ban Đảng và văn phòng chung cho Mặt trận, các tổ chức chính trị-xã hội; thực hiện đề án vị trí việc làm gắn với khoán quỹ lương.
Toàn cảnh buổi làm việc - ảnh: HM
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Tòng Thị Phóng ghi nhận những ý kiến đóng góp thẳng thắn của các đại biểu tham dự buổi làm việc. Đề án “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả” đã được Ban Dân vận bổ sung và thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua.
Để đảm vảo sự lãnh đạo của Đảng với công tác dân vận, đồng chí Tòng Thị Phóng đề nghị Ban Dân vận tiếp thu từ đó đánh giá thêm nhận thức của cả hệ thống chính trị với công tác dân vận; phát huy tinh thần trách nhiệm của cán bộ làm công tác dân vận; tăng cường phối hợp công tác với các cơ quan, đơn vị làm công tác tôn giáo, công tác ngoại giao; rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, hoàn thiện dần quy chế hoạt động xứng tầm là cơ quan tham mưu.
Khẳng định vai trò của người có uy tín rất quan trọng trong công tác dân vận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu Ban Dân vận cần sớm tiến hành tổng kết mô hình dân vận và mặt trận ở cấp tỉnh, cấp huyện, dân vận với tuyên giáo, tổng kết công tác dân vận ở chính quyền, dân vận ở cấp xã, mô hình Tổ dân vận cấp thôn… đánh giá hiệu quả các mô hình đó, từ đó có giải pháp triển khai và nhân rộng.
Trong điều kiện kinh tế thị trường, việc vận động quần chúng có vai trò rất quan trọng, đồng chí Tòng Thị Phóng đề nghị Ban Dân vận quan tâm đến việc gần gũi với dân, lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của người dân, sớm giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho mọi tầng lớp nhân dân; Ban Dân vận tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận …/.
Hoàng Mẫn