Xây dựng thương hiệu riêng giúp hàng Việt "vươn xa" 

(ĐCSVN) - Dù kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang nhiều thị trường trong đó có thị trường các nước thuộc khối Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã tăng trưởng ấn tượng song chủ yếu mới chỉ là hàng xuất thô. Do đó, để hàng Việt chiếm lĩnh thị trường các nước thuộc khối CPTPP và "vươn xa" hơn thì cần phải xây dựng được thương hiệu riêng.

 

Tọa đàm “Phát triển thương hiệu Việt Nam tại thị trường CPTPP” 

Đó là chia sẻ của ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương tại Tọa đàm “Phát triển thương hiệu Việt Nam tại thị trường CPTPP” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 27/9.

Ông Ngô Chung Khanh nhận định: sau hơn 4 năm có hiệu lực, CPTPP đã góp phần đem lại tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng cho Việt Nam, là động lực mở đường cho hàng hóa Việt Nam sang các thị trường tiềm năng và mới mẻ. Đáng chú ý, xuất khẩu hàng Việt sang thị trường Canada, Mexico có tăng trưởng ấn tượng tới 2 con số kể cả giai đoạn dịch COVID-19. Riêng thị trường Peru có năm tăng trưởng lên đến 3 con số.

Tuy gia tăng về số lượng và giá trị xuất khẩu nhưng hàng hóa gắn thương hiệu Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này còn khá khiêm tốn. Nhiều sản phẩm hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vẫn còn mang thương hiệu nước ngoài.

Thông tin về thị trường Canada, bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết, sau khi thực thi, CPTPP xuất khẩu những mặt hàng hưởng thuế bằng 0 như: Điện thoại, điện tử, điện máy hay là kim loại cơ bản, thủy sản, rau củ, quả, gạo điều, chè, cà phê… tăng đột biến. Dù vậy, trên 60% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Canada thuộc khu vực FDI có thương hiệu riêng, trong khi khu vực trong nước chủ yếu vẫn xuất thô hoặc gia công.

Nguyên nhân thương hiệu hàng Việt còn xuất hiện hạn chế ở các thị trường này là do nhiều doanh nghiệp ngại xây dựng thương hiệu, chấp nhận sản xuất gia công thuần túy; không có động lực để nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm, thương hiệu có thể mang lại.

Bà Trịnh Huyền Mai, Phó Trưởng phòng Chính sách xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), cũng cho biết: xây dựng thương hiệu và xuất khẩu bằng thương hiệu riêng không phải là câu chuyện của tất cả các doanh nghiệp.

Vấn đề này chỉ dành cho một số doanh nghiệp thực sự có tiềm lực, có khả năng và có sự hiểu biết về thị trường và có một chiến lược bài bản. Bởi vì nếu doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm phải đảm bảo được chất lượng, đảm bảo tính ổn định cũng như thường xuyên nắm bắt được thị hiếu của thị trường. Từ đó mới giữ được khách hàng, giữ được thị trường và giữ được uy tín của thương hiệu của mình đối với nhà nhập khẩu, cũng như người tiêu dùng quốc tế.

Theo bà Trịnh Huyền Mai, doanh nghiệp có thể tận dụng các hoạt động xúc tiến thương mại để xây dựng, phát triển thương hiệu. Do đó, doanh nghiệp nên chủ động gia tăng giá trị sản phẩm thông qua việc cải tiến thường xuyên chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm cho phù hợp với thị trường đích.

Để khắc phục hạn chế, từng bước xây dựng thương hiệu hàng Việt tại thị trường CPTPP, ông Ngô Chung Khanh cũng nhấn mạnh, việc xây dựng thương hiệu không phải cần có ngay tiềm lực mà quan trọng phải có sự sẵn sàng, tư duy, chiến lược, sự kết nối… Các doanh nghiệp nên phát triển theo hướng vừa sản xuất theo đơn hàng, thương hiệu của đối tác, vừa xây dựng thương hiệu riêng của mình.

Các diễn giả tham gia tọa đàm có chung nhận định, CPTPP là thị trường lớn, nhiều tiềm năng đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Khi doanh nghiệp đã thâm nhập được vào các thị trường CPTPP bằng thương hiệu riêng sẽ tăng thêm về chất lượng sản phẩm và nâng cao giá trị thương hiệu, tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp./.

 
Tin, ảnh: A.N
114 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 805
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 805
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87211071