Cùng dự buổi làm việc có lãnh đạo UBND, HĐND Thành phố và lãnh đạo các sở, ban, ngành của Thành phố Hà Nội.
Đồng chí Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận buổi làm việc. (Ảnh: HH)
Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Doãn Hoàn, Bí thư Huyện ủy cho biết, năm 2016, với tinh thần đổi mới và quyết tâm chính trị cao, Ban Thường vụ Huyện ủy Thạch Thất đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và ban hành 22 Đề án, cụ thể hóa thực hiện 5 Chương trình công tác lớn của Huyện ủy; ban hành 358 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt công tác, trong đó: 119 văn bản chỉ đạo phát triển về kinh tế, văn hóa - xã hội; 27 văn bản chỉ đạo về an ninh quốc phòng; 212 văn bản về công tác xây dựng Đảng, Chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội; tiếp tục chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) gắn với Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị; thường xuyên đổi mới lề lối, phong cách lãnh đạo gắn với đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính trong chỉ đạo điều hành.
Kinh tế toàn huyện đạt mức tăng trưởng 14,5%; cơ cấu kinh tế: công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp là 68%; thương mại - dịch vụ - du lịch là 21,5%; nông - lâm nghiệp - thủy sản là 10,5%. Giá trị công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp năm 2016 đạt gần 9.840 tỷ đồng, tăng 15,3% so với năm 2015. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt hơn 1.515 tỷ đồng, tăng 4,9%; thu nhập bình quân/ha canh tác đạt trên 150 triệu đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt gần 258 tỷ đồng.
Công tác xây dựng nông thôn mới được chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm; trong năm 2016 đã có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 15/22 xã (68%). Tích cực chỉ đạo duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa đạt 100%
Huyện ủy Thạch Thất xác định, năm 2017 phấn đấu tổng giá trị sán xuất đạt 16.500 tỷ đồng; Tổng thu ngân sách nhà nước hơn 580 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn huyện giảm xuống còn 2,92%; Số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới tăng thêm 06 xã. Phấn đấu trên 50% tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh; không có tổ chức cơ sở đảng yếu kém.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thạch Thất trong thời gian qua.
Bên cạnh những kết quả đạt được, huyện Thạch Thất vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm: Tốc độ tái cơ cấu kinh tế chưa đáp ứng yêu cầu; sản xuất nông nghiệp còn manh mún, sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu riêng của Thạch Thất còn ít; thương mại dịch vụ tăng trưởng còn chậm, chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa; nhiều vi phạm trật tự xây dựng, đất đai chưa được xử lý kịp thời; trật tự văn minh đô thị có mặt còn hạn chế; an ninh nông thôn còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp…
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị Huyện ủy Thạch Thất cùng với việc thực hiện chương trình toàn khóa, cần đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Chú trọng thực hiện công tác đào tạo, luân chuyển, sử dụng cán bộ.
Phát huy tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện, phát triển cụm công nghiệp làng nghề; quan tâm xây dựng thương hiệu sản phẩm các làng nghề, tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với xử lý ô nhiễm môi trường trong các làng nghề, cụm công nghiệp. Phát triển mạnh thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện theo quy hoạch; khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, chợ trung tâm bằng nguồn vốn xã hội hóa.
Bí thư Thành ủy Hà Nội thăm khu di tích Nhà lưu niệm Bác Hồ tại xã Cần Kiệm. (Ảnh: HH)
Trong nông nghiệp, cần nhân rộng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, phát triển các trang trại, các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa; ứng dụng công nghệ cao, tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống mới, đẩy mạnh cơ giới hóa để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, cung cấp sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao cho thị trường Thủ đô. Chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng nông thôn mới, tập trung huy động nguồn lực, phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí cơ bản đạt và chưa đạt; giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt. Chú trọng giữ vững và nâng cao các tiêu chí liên quan đến chất lượng cuộc sống của người dân như: thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất, y tế, văn hóa, môi trường, an ninh nông thôn… Đặc biệt Thạch Thất là vùng đất cổ giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, cần chú trọng xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu, Thạch Thất cần tăng cường quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, tài nguyên môi trường, trật tự xây dựng, đô thị, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, bảo đảm các quy hoạch của Thành phố được thực hiện nghiêm. Đẩy nhanh, hoàn thành dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng, đồng thời chú trọng quản lý, không để các vi phạm đất đai, trật tự xây dựng phát sinh. Duy trì thường xuyên công tác vệ sinh môi trường, chú trọng công tác bảo vệ môi trường các làng nghề.
Trước đó, đồng chí Hoàng Trung Hải đã thăm mô hình sản xuất tại doanh nghiệp kim khí Năm Lan, xã Phùng Xá và dâng hương tại di tích Nhà lưu niệm Bác Hồ tại xã Cần Kiệm./.
Hiền Hòa