Các sản phẩm của Việt Nam có giấy FLEGT sẽ được tự do vào EU . Ảnh: Văn Tý
Hiệp định VPA/FLEGT sẽ giúp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, cải thiện thể chế về quản lý rừng, giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ trái phép, góp phần phát triển bền vững ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam.
Với Hiệp định này, Việt Nam cam kết xây dựng và vận hành Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (gọi tắt là VNTLAS) phù hợp với đặc điểm chuỗi cung của Việt Nam và quy định của EU. Qua đó để xác minh, truy xuất nguồn gốc gỗ trong toàn bộ chuỗi cung làm căn cứ để cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy phép FLEGT cho các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang EU.
Đổi lại, các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam có giấy phép FLEGT sẽ không phải thực hiện trách nhiệm giải trình về nguồn gốc gỗ hợp pháp khi xuất khẩu vào EU. Đây được coi là “Giấy thông hành đặc biệt” do chính các cơ quan Việt Nam cấp để các lô hàng được tự do vào EU mà không phải làm thủ tục xác minh nguồn gốc gỗ hợp pháp.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, thương mại gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp và bền vững phù hợp với các mục tiêu phát triển và nỗ lực của Việt Nam nhằm bảo vệ rừng và hạn chế biến đổi khí hậu. Không chỉ đảm bảo rằng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang EU có nguồn gốc hợp pháp mà gỗ khai thác bất hợp pháp cũng không được đưa vào thị trường Việt Nam.
Hiệp định VPA/FLEGT được dự đoán sẽ mang lại tác động tích cực cho Việt Nam trên cả 3 lĩnh vực: kinh tế, xã hội và môi trường; trong đó nổi bật hơn cả là lợi ích về kinh tế, đặc biệt góp phần thúc đẩy thị trường xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tại các thị trường khác.
Đặc biệt khi các thị trường top đầu xuất khẩu mặt hàng đồ gỗ của Việt Nam như Hoa Kỳ ngày càng thắt chặt thực thi Luật Lacey nhằm cấm mua bán lâm sản bất hợp pháp; Nhật Bản áp dụng Luật Gỗ sạch; Hàn Quốc ban hành Luật Sử dụng gỗ bền vững..., Hiệp định VPA/FLEGT cũng sẽ giúp Việt Nam xây dựng một nền tảng gỗ sạch – minh bạch – hợp pháp đi vào các thị trường khác.
Hiện Việt Nam đã trở thành trung tâm chế biến gỗ của châu Á. Trước những yêu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu lớn, ngành gỗ Việt Nam cần xây dựng trở thành ngành gỗ hợp pháp, minh bạch. Đây là một yêu cầu mang tính chất “sống – còn” của một ngành kinh tế, ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends cũng khuyến cáo.
Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá, đây là một hiệp định rất nhân văn, góp phần cải cách hành chính. Khi thực hiện Hiệp định này, thủ tục hành chính về xuất xuất khẩu đối với các doanh nghiệp sẽ được rút gọn. Thay vì phải mang một bộ hồ sơ dày để chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, doanh nghiệp chỉ cần một tờ giấy chứng nhận nguồn gốc gỗ hợp pháp có thể đưa hàng hóa vào được tất cả các nước của EU với giá tăng cao hơn.
Hiệp định cũng sẽ góp phần nâng cao uy tín và hình ảnh ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam trên toàn cầu, giúp mở rộng thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam sang các nước ngoài EU như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia…; góp phần thực hiện mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt từ 12-13 tỷ USD vào năm 2020, vươn lên đứng thứ 4 thế giới.
Để thực hiện Hiệp định, ông Nguyễn Quốc Trị cho biết, Việt Nam sẽ xây dựng hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (VNTLAS) toàn diện và tin cậy nhằm đảm bảo gỗ nhập khẩu và sản phẩm gỗ có nguồn gốc hợp pháp thông qua hệ thống xác minh đối với gỗ trong nước và gỗ nhập khẩu được khai thác và kinh doanh tuân thủ quy định pháp luật của nước khai thác.
Hiệp định VPA/FLEGT cũng quy định việc thiết lập hệ thống kiểm tra và cân bằng như cơ chế khiếu nại và đánh giá độc lập cũng như cam kết có sự tham gia của các bên liên quan trong quá trình thực thi Hiệp định và công bố các thông tin chính của ngành lâm nghiệp.
Các cam kết của Hiệp định VPA/FLEGT đã được quy định trong Luật Lâm nghiệp Việt Nam mà sẽ có hiệu lực từ 01/1/2019. Để thực hiện hiệp định, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, Chính phủ sẽ có một nghị định để thể chế hóa các cam kết chính của Hiệp định; trong đó quan trọng nhất là kiểm soát gỗ nhập khẩu hợp pháp và xây dựng hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp của Việt Nam. Ngành lâm nghiệp cũng nghiên cứu để xây dựng các phần mềm, cơ sở dữ liệu như phần mềm phân loại doanh nghiệp, cấp phép FLEGT để phục vụ việc thực hiện hiệu quả Hiệp định.
Để các điều khoản được thực thi thông suốt quan trọng nhất vẫn là sự hiểu biết và cập nhật thông tin của từng chủ rừng và các doanh nghiệp để chủ động tuân thủ các cam kết trong Hiệp định. Do đó, người dân và doanh nghiệp phải tham gia trong chuỗi cung ứng hoàn chỉnh. Người trồng rừng cần có chứng chỉ thể hiện nguồn gỗ đó minh bạch, hợp pháp. Doanh nghiệp xác định, rà soát lại toàn bộ quy trình hiện có để có được nguồn gốc gỗ đầu vào hợp pháp; tự đánh giá năng lực của doanh nghiệp có phù hợp với các tiêu chí để được xếp vào danh mục loại một (doanh nghiệp minh bạch)./.
Bích Hồng/TTXVN