Chủ trì hội nghị thẩm định có ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ pháp luật dân sự kinh tế (Bộ Tư pháp) và ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư).
Theo dự thảo tờ trình của Bộ Kế hoạch và đầu tư, việc xây dựng Quyết định ưu đãi đầu tư đặc biệt nhằm hướng tới việc thu hút đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu; đồng thời ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, tác đông lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, hướng tới nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ đề ra tại Nghị quyết 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Để thể hoá nội dung của Nghị quyết 50-NQ/TW về ưu đãi vượt trội, Luật Đầu tư năm 2020 đã quy định đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư vượt trội, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư đã quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định mức, thời gian ưu đãi đầu tư đặc biệt theo tiêu chí về công nghệ cao, chuyển giao công nghệ, doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi, giá trị sản xuất trong nước đối với các dự án đầu tư, quy định tại khoản 2, điều 20 của Luật Đầu tư 2020.
Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Quyết định về ưu đãi đầu tư đặc biệt là rất cần thiết để hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư, tạo cơ chế thu hút, khuyến khích các dự án đầu tư có quy mô lớn, thuộc các ngành công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, có sự lan toả, giá trị gia tăng cao và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư tại dự thảo tờ trình, việc xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ưu đãi đầu tư đặc biệt, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc tại Nghị quyết 50-NQ/TW, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, xu thế chuyển dịch dòng đầu tư thế giới.
Các điều kiện, tiêu chí có tính khả thi cao nhằm thu hút được các tập đoàn, doanh nghiệp lớn có công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao; bảo đảm tính thống nhất với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thuế, công nghệ cao, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Về nguyên tắc áp dụng ưu đãi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, ưu đãi đầu tư đặc biệt áp dụng cho dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng, đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2, điều 20 của Luật Đầu tư năm 2020. Nguyên tắc áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt được thực hiện theo quy định tại khoản 6, điều 20 của Nghị định số 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Thời điểm áp dụng thuế suất ưu đãi, thời gian miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, điều kiện áp dụng ưu đãi thuế được áp dụng ưu đãi thuế được áp dụng theo quy định tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; ưu đãi đầu tư đặc biệt được quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc thoả thuận bằng văn bản với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Cơ quan thuế áp dụng ưu đãi hằng năm theo điều kiện, tiêu chí thực tế mà dự án đáp ứng. Thời gian áp dụng ưu đãi còn lại được xác định bằng thời gian ưu đãi theo điều kiện ưu đãi thực tế bù trừ số năm miễn, giảm thuế, số năm áp dụng thuế suất ưu đãi đã được áp dụng trước đó.
Trường hợp dự án đầu tư không thực hiện đúng cam kết và điều kiện áp dụng ưu đãi đầu tư đặc biệt thì tổ chức kinh tế không được áp dụng ưu đãi hoặc phải bồi hoàn ưu đãi đã hưởng.
Tại cuộc họp, đại diện các bộ ngành đã tham gia góp ý kiến với cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Kế hoạch và đầu tư để việc xây dựng Quyết định bảo đảm tính khả thi khi ban hành.
Lê Sơn