|
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng có những nội dung về liên doanh, liên kết và xã hội hóa rất khó quy định trong các văn bản cũng như quy định của Bộ Y tế. Ảnh: VGP/Đoàn Bắc |
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 10/11, trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về các giải pháp khắc phục tình trạng lạm dụng xã hội hóa trong y tế, khi các tổ chức và cá nhân đầu tư đặt máy móc, thiết bị vào bệnh viện Nhà nước để thu lợi nhuận, dẫn đến tình trạng lạm dụng kỹ thuật, thuốc và nhiều lãnh đạo bệnh viện vi phạm pháp luật, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, chủ trương xã hội hóa là rất đúng đắn của Đảng và Nhà nước.
Trong Nghị quyết Trung ương 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã nêu rất rõ là "đẩy mạnh, tăng cường xã hội hóa để đảm bảo người dân được tiếp cận đối với các dịch vụ y tế có chất lượng", vì chúng ta không thể chỉ dùng ngân sách Nhà nước trong vấn đề đầu tư, nhất là vấn đề tiếp cận đối với những máy móc, trang thiết bị tân tiến, hiện đại. Vì vậy, để đảm bảo vấn đề này thì việc đẩy nhanh xã hội hóa, huy động nguồn lực xã hội cho công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân là hết sức đúng đắn.
Theo Bộ trưởng, trong thời gian qua, chúng ta đã có hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến việc triển khai xã hội hóa, trong đó có quy định về tài sản công, các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ Y tế, thông tư của Bộ Y tế trong vấn đề đảm bảo xã hội hóa. Bộ Y tế cũng đã có nhiều văn bản chấn chỉnh vấn đề triển khai công tác xã hội hóa, trong đó yêu cầu không được tăng thu, lạm thu. Về vấn đề này, Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng luôn phối hợp để đánh giá, thanh quyết toán trong việc sử dụng máy móc đối với xã hội hóa. Tuy nhiên, thực tế vẫn có đơn vị chưa thực hiện nghiêm.
“Chúng tôi đánh giá khâu tổ chức thực hiện ở các đơn vị là chưa nghiêm và chưa đúng theo các quy định pháp luật, nhiều khi nóng vội và mang tính cá nhân, chủ quan, dẫn đến sai phạm. Vì vậy, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã đánh giá lại vấn đề xã hội hóa và vẫn tiếp tục chủ trương xã hội hóa để có thể tăng cường huy động nguồn lực xã hội cho công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhưng phải hình thành hành lang pháp lý để mở rộng cũng như tạo điều kiện cho những đơn vị y tế trong vấn đề tiếp cận đối với xã hội hóa”, Bộ trưởng chia sẻ.
Người đứng đầu ngành y tế cũng cho biết Bộ Y tế đã trình Chính phủ Nghị định về liên doanh, liên kết và xã hội hóa. Do có những nội dung rất khó quy định trong những văn bản hay quy định của Bộ Y tế, vì vậy Bộ đã làm việc chặt chẽ đối với các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Tài chính trong vấn đề xây dựng nghị định riêng về liên doanh, liên kết xã hội hóa cho ngành y tế, để tạo mở hành lang pháp lý.
Bộ trưởng kỳ vọng, khi Nghị định này được thông qua, sẽ giải quyết thấu đáo nhiều vấn đề về liên doanh, liên kết và xã hội hóa trong ngành y tế, để tránh những sai phạm, đồng thời việc quản lý giá cũng sẽ công khai, minh bạch và hiệu quả hơn.
Liên quan đến lộ trình thông tuyến theo Luật Bảo hiểm y tế, Bộ trưởng cho biết đây là một chính sách rất nhân văn nhằm để người dân được tiếp cận đối với các dịch vụ y tế có chất lượng, có thể ở địa bàn này sang địa bàn khác, từ tỉnh này sang tỉnh khác. Tuy nhiên, vấn đề này cũng có những mặt hạn chế, đó là không quản lý được bảo hiểm y tế, không quản lý được sức khỏe người dân trên địa bàn, vẫn có nơi tăng lượng bệnh nhân đến, có nơi lượng bệnh nhân ít.
Về vấn đề này, Bộ Y tế đang tiến hành đánh giá để rà soát lại tất cả những quy định, từ đó có những điều chỉnh phù hợp để đưa vào Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi trong thời gian tới, trên một nguyên tắc chung là đảm bảo để người dân được tiếp cận đối với dịch vụ y tế chất lượng nhưng ở gần nơi mình sinh sống là tốt nhất.
Hiền Minh