XÂY DỰNG QUAN HỆ LAO ĐỘNG HÀI HÒA TRONG TÌNH HÌNH MỚI – VAI TRÒ CỦA CÁC CẤP CÔNG ĐOÀN QUẢNG TRỊ 

Tỉnh Quảng Trị có dân số 643.505 người, trong đó lao động trong độ tuổi có 322.585 người; lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc hàng năm chiếm 53,74% dân số; lao động đang làm việc phân theo thành phần: kinh tế nhà nước 12,16%, kinh tế ngoài nhà nước 87,30%, khu vực nước ngoài 0,54%.

Xây dựng quan hệ lao động hài hoà là xây dựng quan hệ lợi ích giữa các bên hài hòa, tin cậy nhau, thực hiện tốt nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, vừa tôn trọng lợi ích của doanh nghiệp, vừa bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, góp phần thúc đẩy sản xuất- kinh doanh, tạo ổn định xã hội. Đây chính là chủ trương lớn của Đảng và là định hướng chiến lược phát triển quan hệ lao động ở nước ta, cũng chính là một trong những nhiệm vụ chủ yếu, trọng tâm của tổ chức công đoàn mà không một tổ chức nào khác có thể thay thế, góp phần điều hoà và ổn định quan hệ lao động xã hội, bảo đảm sự phát triển bền vững.

Xác định rõ vai trò quan trọng trong xây dựng quan hệ lao động hài hoà, trong thời gian qua, các cấp Công đoàn tỉnh Quảng Trị có sự đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, triển khai các giải pháp đồng bộ nâng cao vai trò của công đoàn các cấp trong xây dựng quan hệ lao động, vừa tôn trọng lợi ích của doanh nghiệp, vừa góp phần chăm lo đời sống, việc làm và bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tạo ra nhiều lợi ích thiết thực. Với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, các cấp Công đoàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lao động cho đoàn viên, người lao động, chủ doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận trong tổ chức, triển khai thực hiện; kịp thời ngăn chặn, phản bác các thông tin sai lệch gây ảnh hưởng xấu tới quan hệ lao động và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Tích cực tuyên tuyền, phổ biến giáo dục và tư vấn pháp luật, tạo sự chuyển biến rõ rệt về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật nói chung, pháp luật lao động nói riêng đối với người lao động và chủ doanh nghiệp. Hàng năm, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức tư vấn pháp luật lao động, pháp luật công đoàn bình quân cho trên 50 lượt, Liên đoàn Lao động cấp huyện, ngành tư vấn bình quân cho gần 2.300 lượt công nhân viên chức lao động.

Để xây dựng quan hệ lao động lành mạnh, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên, thì công cụ chính là Thỏa ước lao động tập thể. Công đoàn cơ sở đã thể hiện được vai trò của mình trong việc thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người lao động. Trong 6 tháng đầu năm 2021, có 129/159 doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động, đạt tỉ lệ 81%. Các doanh nghiệp đã bám sát quy định để tổ chức hội nghị; linh động trong hình thức tổ chức phù hợp với tình hình thực tiễn lao động sản xuất của người lao động. Hầu hết các hội nghị được tổ chức từ cấp tổ, đội, bộ phận sản xuất nên đã tạo điều kiện cho người lao động được thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến khi xây dựng, bổ sung, sửa đổi Thỏa ước lao động tập thể và các quy chế, quy định tại doanh nghiệp. Các nội dung liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động được đưa ra bàn bạc công khai, dân chủ tại hội nghị. Có 139 doanh nghiệp (có công đoàn) đã ký kết Thỏa ước lao động tập thể. 100% Thỏa ước lao động tập thể  đều có các điều khoản có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật.

Một trong những vai trò quan trọng của Công đoàn để xây dựng môi trường lao động ổn định, tạo dung hòa được quyền và lợi ích giữa các bên, hạn chế và loại trừ nguy cơ dẫn đến tranh chấp lao động làm phá vỡ quan hệ lao động, gây thiệt hại về quyền, lợi ích cho cả hai bên đó chính là tổ chức đối thoại giữa người lao động và người sử dụng lao động, tham gia thương lượng với người sử dụng lao động trong việc giải quyết các vấn đề bức xúc của công nhân. Trong những năm vừa qua, Quảng Trị xảy ra một số vụ tranh chấp lao động cá nhân hoặc tranh chấp lao động tập thể về quyền, không xảy ra tranh chấp lao động về lợi ích và đình công. Nội dung chủ yếu là việc chấm dứt hợp đồng lao động, trợ cấp thôi việc, nợ đọng bảo hiểm xã hội dẫn đến việc chậm giải quyết các chế độ cho người lao động. Nhờ sự vào cuộc kịp thời của các cấp Công đoàn và các cơ quan chức năng cùng với sự chủ động trong nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, bức xúc, kiến nghị của người lao động, tất cả các vụ tranh chấp đã được đưa ra phương án hòa giải hoặc giải quyết thỏa đáng, đúng quy định. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất- kinh doanh, ảnh hưởng lớn đến việc làm, thu nhập của đoàn viên, người lao động; một số doanh nghiệp xảy ra tình trạng nợ lương từ trong năm 2020, đến nay vẫn chưa giải quyết được chế độ cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng, chế độ thai sản.... Các cấp Công đoàn đã có nhiều cố gắng trong thực hiện vai trò, trách nhiệm là cầu nối để người lao động cảm thông với tình hình khó khăn chung của các doanh nghiệp và là chỗ dựa tinh thần cho người lao động, hạn chế tối đa việc xảy ra tranh chấp lao động. Chủ động rà soát nắm bắt tình hình đời sống, việc làm, tiền lương, việc thực hiện chế độ, chính sách đối với đoàn viên do ảnh hưởng dịch bệnh. Các cấp công đoàn hỗ trợ 2.832 suất quà, trị giá 1,04 tỷ đồng cho đoàn viên, người lao động bị có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, ốm đau, trợ cấp cho 13 trường hợp người lao động là F1, F2 có hoàn cảnh khó khăn.

Chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên, người lao động ngày càng được thể hiện rõ thông qua việc phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội, tham gia tích cực trong các hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động, kịp thời kiến nghị đơn vị, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng giải quyết đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người lao động về chế độ BHXH, tiền lương, thời gian, điều kiện làm việc, ATVSLĐ. Hằng năm, công đoàn các cấp phối hợp kiểm tra bình quân 100 doanh nghiệp trên địa bàn. Chất lượng kiểm tra, thanh tra được nâng lên, kết luận thanh tra, kiểm tra đầy đủ, cụ thể nhằm yêu cầu doanh nghiệp khắc phục vi phạm và thực hiện đúng theo quy định pháp luật, nhằm giảm thiểu các tranh chấp lao động.

Các cấp Công đoàn thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động xã hội, tổ chức các phong trào thi đua, tạo sự gắn bó mật thiết giữa đoàn viên, người lao động với doanh nghiệp. Chương trình “Tết sum vầy”, “Tháng Công nhân”,  “Công đoàn đồng hành cùng doanh nghiệp – xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp”, “Chương trình phúc lợi đoàn viên”, “Mái ấm công đoàn” đem lại hiệu quả, tạo dấu ấn, sức lan toả lớn trong xã hội. Nhằm nâng cao phúc lợi cho đoàn viên, người lao động, các công đoàn cơ sở đã khéo léo vận động, thương lượng chủ doanh nghiệp hỗ trợ và nâng cao chất lượng “bữa ăn ca”, góp phần nâng cao sức khỏe cho công nhân lao động; tham gia với doanh nghiệp xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động. Sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp Công đoàn thực sự là nguồn cổ vũ động viên tinh thần, vật chất đến với người lao động trong lúc khó khăn, hoạn nạn, là việc làm hết sức ý nghĩa, vừa giúp người lao động ổn định cuộc sống, hoàn thành nhiệm vụ được giao, vừa góp phần tăng năng suất lao động cho doanh nghiệp.

Các cấp Công đoàn đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, góp phần xây dựng mối quan hệ hài hoà, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau, tạo điều kiện để công đoàn, người sử dụng lao động và cả người lao động thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, vì quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Trong 6 tháng đầu năm 2012, thành lập được 10 CĐCS và phát triển 1.033 đoàn viên.

Với sự nỗ lực của các cấp Công đoàn tỉnh Quảng Trị và những kết quả đạt được trong thời gian qua đã góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hoà, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao đời sống người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Bước vào tình hình mới, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng cùng những cơ hội, thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; để nâng cao vai trò của tổ chức Công đoàn trong xây dựng quan hệ lao động hài hòa, các cấp Công đoàn cần phải đổi mới mạnh mẽ, thực chất hơn tổ chức và hoạt động của Công đoàn, thường xuyên tổ chức các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền lợi đoàn viên, người lao động một cách thiết thực; đồng thời, đồng hành, sẵn sàng chia sẻ những khó khăn với doanh nghiệp. Tuyên truyền, vận động công đoàn viên, người lao động, chủ doanh nghiệp chấp hành đúng các quy định của pháp luật trong quan hệ lao động. Định hướng, tư vấn, hướng dẫn người lao động khi xác lập quan hệ lao động giữa người lao động với người sử dụng lao động sao cho các bên phải đạt được những mục tiêu nhất định, trên cơ sở bảo đảm việc làm, đời sống, chế độ chính sách đối với người lao động theo quy định của pháp luật. Tích cực tham gia vào việc giải quyết tranh chấp lao động, đình công phát sinh theo đúng quy định của pháp luật; tích cực chủ động tham gia với các cơ quan liên quan của địa phương trong việc nắm tình hình để có biện pháp giải quyết phù hợp nhằm giảm thiểu các tranh chấp lao động, đình công phát sinh trên địa bàn, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xử lý nghiêm những đối tượng lợi dụng, lôi kéo, kích động, ép buộc người lao động gây rối an ninh, trật tự. Đầu tư nguồn lực cho công đoàn doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, doanh nghiệp có đông công nhân để làm tốt chức năng quan hệ lao động; ưu tiên đầu tư cho công tác tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người lao động, công tác đối thoại và thương lượng tập thể. Thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ công đoàn cơ sở, nâng cao năng lực đối thoại, thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể nhằm nâng cao chất lượng của thỏa ước lao động tập thể, đảm bảo cho hai bên nghiêm chỉnh thực hiện các cam kết trong thỏa ước lao động tập thể; có các giải pháp hỗ trợ phù hợp để tổ chức công đoàn cơ sở tập trung vào đối thoại, thương lượng về các nội dung tiền lương, tiền thưởng và các điều kiện lao động khác. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và phát triển đoàn viên công đoàn tại doanh nghiệp, thu hút người lao động tham gia vào hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với tư cách là tổ chức duy nhất đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động ở tất cả các loại hình doanh nghiệp trong tỉnh./. Thủy Phương


 

 

 

 

 

 

 

 

4099 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 492
    • Thành viên Thành viên 2
    • Tổng Tổng 494
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76745136