Xây dựng phần mềm giúp doanh nghiệp quản lý phế liệu nhập khẩu 

(Chinhphu.vn) - Nhằm giúp doanh nghiệp (DN) nhập khẩu xác định được số lượng phế liệu còn được phép nhập khẩu theo hạn ngạch, Tổng cục Hải quan xây dựng phần mềm quản lý phế liệu DN.

 

Ảnh minh họa
Tổng cục Hải quan sẽ cấp cho tất cả các DN trong danh sách được Bộ TN&MT cấp phép nhập phế liệu và được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ hoặc Cổng thông tin điện tử quốc gia một tài khoản truy cập bằng mã số thuế của DN.

Việc xây dựng phần mềm quản lý phế liệu nhập khẩu nhằm giúp DN nhập khẩu xác định được số lượng phế liệu còn được phép nhập khẩu theo hạn ngạch, đồng thời, giúp cơ quan quản lý nắm lượng phế liệu nhập của DN.

DN nhập phế liệu có thể truy cập vào phần mềm quản lý phế liệu nhập để kiểm tra hạn ngạch của mình, hoặc có thể gửi thông tin đến chi cục hải quan đề nghị cho phép dỡ phế liệu xuống cảng đối với các tàu chở phế liệu chuẩn bị đến cảng.

Chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai nhập khẩu có trách nhiệm cập nhật số lượng phế liệu nhập và chi cục hải quan nơi quản lý phế liệu dỡ xuống cảng có trách nhiệm cập nhật số lượng phế liệu đã dỡ xuống cảng của DN vào phần mềm quản lý phế liệu nhập.

Phế liệu nhập khẩu chờ kiểm tra phải lưu giữ tại cửa khẩu nhập

Theo hướng dẫn mới đây của Tổng cục Hải quan về quản lý phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam, cơ quan hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa và giám sát việc lấy mẫu đối với tất cả các lô hàng khai báo là phế liệu nhập khẩu. Mức độ kiểm tra thực tế hàng hóa thực hiện theo chỉ dẫn của hệ thống.

Trước khi xuất trình hàng hóa để kiểm tra và lấy mẫu đại diện, người khai hải quan phải thông báo bằng văn bản, hoặc thông báo qua Cổng thông tin một cửa quốc gia cho chi cục hải quan nơi lưu giữ hàng hóa, tổ chức giám định được chỉ định, cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu nhập khẩu (sở TN&MT nơi có nhà máy, cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu nhập khẩu) về thời gian và địa điểm kiểm tra, lấy mẫu.

Về địa điểm lấy mẫu và kiểm tra, Tổng cục Hải quan cho biết, việc kiểm tra thực tế hàng hóa được thực hiện tại chi cục hải quan cửa khẩu nhập.

Trường hợp DN đăng ký tờ khai hải quan tại chi cục hải quan khác chi cục hải quan cửa khẩu nhập khẩu, chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai thông báo bằng văn bản cho chi cục hải quan cửa khẩu nhập phối hợp với cục, chi cục kiểm định hải quan phụ trách tại địa bàn để thực hiện kiểm tra thực tế.

Trường hợp tại cửa khẩu nhập có lắp đặt hệ thống camera giám sát thì việc kiểm tra thực tế hàng hóa phải thực hiện tại khu vực có camera giám sát.

Việc kiểm tra xác định tính chính xác giữa nội dung khai hải quan và thực tế hàng hóa nhập khẩu được thực hiện bởi công chức hải quan của chi cục hải quan cửa khẩu nhập và cán bộ công chức kiểm định của cục, chi cục kiểm định hải quan. Cụ thể, kiểm tra trực tiếp bằng mắt thường và các thiết bị phân tích tại hiện trường.

Trường hợp kiểm tra trực tiếp bằng mắt thường và các thiết bị tại hiện trường không xác định được lô hàng phế liệu nhập khẩu đáp ứng quy định của pháp luật hải quan và pháp luật bảo vệ môi trường, thì chi cục hải quan cửa khẩu và cục, chi cục kiểm định hải quan phối hợp thực hiện lấy mẫu đại diện của lô hàng để thực hiện phân tích đánh giá.  

Việc kiểm tra thực tế và lấy mẫu (nếu có) được thực hiện cùng thời điểm kiểm tra và lấy mẫu của tổ chức giám định. Quá trình kiểm tra thực tế và lấy mẫu sẽ được công chức hải quan chụp ảnh, ghi hình.

Đối với hàng hóa là phế liệu thuộc danh mục tại Quyết định 73/2014/QĐ-TTg, nhưng chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, cơ quan hải quan xác định không đủ cơ sở để xem xét thông quan.

BT (tổng hợp)

329 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 931
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 931
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87220833