Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Kế Toại.
Để hiểu hơn bức tranh nông thôn mới tỉnh Quảng Trị, PV NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh này.
Sau gần 10 năm triển khai xây dựng NTM, Quảng Trị với xuất phát điểm thấp nhưng đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Xin ông nói rõ hơn về điều này?
Xác định xây dựng NTM là một chương trình trọng tâm để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh nhà, ngay từ những năm đầu, Quảng Trị đã chủ động, quyết tâm, quyết liệt huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, phát huy tính sáng tạo, vai trò chủ thể của người dân để xây dựng NTM.
Bên cạnh việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị luôn chú trọng phát triẻn toàn diện nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là chương trình xây dựng NTM.
Đến nay, chương trình xây dựng NTM của Quảng Trị đạt được kết quả khá toàn diện, ngày càng đi vào chiều sâu, bền vững với nhiều dấu ấn rõ nét.
Sau gần 10 năm triển khai chương trình, Quảng Trị đã huy động được hơn 65 nghìn tỷ đồng cho xây dựng NTM. Diện mạo nông thôn có sự chuyển biến rõ nét, đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng nâng cao.
Đến cuối năm 2019, thu nhập ở khu vực nông thôn tăng 2,5 lần so với năm 2010. Toàn tỉnh hiện có 60/117 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 51,3%. Trong đó, huyện Cam Lộ đã được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2019. Khi mới bắt đầu, có 78 xã dưới 5 tiêu chí, đến nay toàn tỉnh không còn xã nào dưới 5 tiêu chí.
Ngoài 19 tiêu chí chung của chương trình xây dựng NTM, tỉnh Quảng trị đã ban hành Bộ tiêu chí khu dân cư NTM kiểu mẫu để triển khai thực hiện. Chương trình đã và đang được người dân đồng tình hưởng ứng, tự nguyện tham gia và trở thành phong trào ngày càng lan tỏa, sâu rộng.
"Xây dựng NTM ngày càng đi vào thực chất, hướng tới cộng đồng dân cư nhiều hơn. Đảm bảo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc, gìn giữ môi trường sống xanh sạch đẹp", ông Hà Sỹ Đồng.
Bên cạnh những thuận lợi từ việc chính quyền, người dân đồng sức, đồng lòng, trong quá trình triển khai xây dựng NTM, tỉnh Quảng Trị chắc hẳn cũng gặp không ít khó khăn, thưa ông?
Đúng là như vậy. Xây dựng NTM tại các xã miền núi còn gặp nhiều khó khăn, có khoảng cách chênh lệch khá lớn so với các địa phương vùng đồng bằng.
Phần lớn các xã miền núi hạ tầng nông thôn còn thiếu thốn, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Như tại huyện Đăkrong, chưa có xã nào của huyện này về đích xây dựng NTM. Đây cũng là một trong những điểm mấu chốt mà tỉnh Quảng Trị sẽ tập trung tháo gỡ trong thời gian tới.
Đời sống của đồng bào dân tộc thiều số còn chưa hết khó khăn. Ảnh: Kế Toại.
Tại những vùng này, trình độ cán bộ, nhận thức của người dân về xây dựng NTM còn hạn chế. Thêm vào đó, kinh phí hỗ trợ từ ngân sách địa phương cho xây dựng NTM còn hạn hẹp. Trong khi đó, nhu cầu xây dựng NTM ở khu vực miền núi rất lớn, nên việc bố trí nguồn lực để đảm bảo mục tiêu đề ra không đơn giản.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung mọi nguồn lực để ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân với mức tối đa. Chú trọng công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, hướng dẫn các trưởng thôn, người có uy tín để triển khai các nội dung xây dựng NTM.
Hỗ trợ thực hiện các mô hình phát triển sản xuất nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Tập trung đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp, phát huy các nghề truyền thống ở các thôn, bản.
Ngoài ra, sẽ phát huy nội lực từ cộng đồng dân cư để góp phần xây dựng NTM. Đẩy mạnh các giải pháp khích lệ cán bộ, người dân tự nguyện tham gia, tạo động lực hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM. Qua đó, nhằm thay đổi nhận thức của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số về chương trình này.
Chúng tôi cũng sẽ nỗ lực thực hiện có hiệu quả công tác lồng ghép nguồn vốn từ các dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Quảng Trị vẫn là trên 8%. Thưa ông, tỉnh Quảng Trị sẽ phải làm gì để giảm tỷ lệ này một cách thực chất nhất, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo bền vững?
Trong 4 năm qua, từ 2016 – 2019, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm từ 15,43% xuống 8,08% vào thời điểm cuối năm 2019. Tỷ lệ hộ nghèo của Quảng Trị mỗi năm giảm bình quân khoảng 1,84%.
Nhìn chung, công tác giảm nghèo bền vững cũng góp phần thay đổi đáng kể diện mạo ở vùng sâu, xa. Người nghèo được tiếp cận tốt hơn các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước.
Người dân huyện Vĩnh Linh phát triển cây hồ tiêu, vươn lên làm giàu. Ảnh: Kế Toại.
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững khi tỷ lệ hộ dân tái nghèo vẫn ở mức cao. Chất lượng cuộc sống của các nhóm hộ mới thoát nghèo và hộ cận nghèo còn ở mức thấp, chưa thực sự bền vững. Các hộ thoát nghèo thực chất chỉ là vượt qua ngưỡng chuẩn nghèo.
Theo tôi, để giảm tỷ lệ hộ nghèo cũng như nâng cao thu nhập cho người dân, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp.
Đó là, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần quán triệt đầy đủ trách nhiệm, vai trò lãnh đạo của mình. Phải huy động cả hệ thống chính trị, cùng toàn xã hội tham gia vào công tác giảm nghèo bền vững. Tiếp tục xây dựng và thực hiện có hiệu quả các nội dung phối hợp giữa các ngành, huy động sự vào cuộc của từng ngành, đoàn thể để giúp đỡ các hội viên, phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ địa phương, người dân trong thực hiện công tác giảm nghèo.
Thường xuyên phổ biến các mô hình, điển hình giảm nghèo bền vững, có hiệu quả để nhân rộng. Phê phán các hiện tượng tiêu cực, không muốn thoát nghèo, trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Các cấp địa phương cũng cần tiếp tục triển khai thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ cho người nghèo như y tế, giáo dục, nhà ở… Đặc biệt là các chính sách tạo kế sinh nhai để giảm nghèo bền vững như hỗ trợ tín dụng ưu đãi, hỗ trợ cây, con giống để phát triển sản xuất. Chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, phương thức sản xuất hiệu quả cho người dân.
Đồng thời vận động, hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi một cách phù hợp, hiệu quả.
Cần kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các xã, huyện nghèo để thúc đẩy sản xuất, cơ sở hạ tầng. Xây dựng các giải pháp, phương án hỗ trợ với các hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo để hạn chế tình trạng tái nghèo.
Trở lại câu chuyện xây dựng NTM trên địa bàn, tỉnh Quảng Trị đã có mục tiêu và định hướng gì cho giai đoạn 2021 – 2025, xin ông cho biết rõ hơn?
Trong giai đoạn này, chúng tôi phấn đấu tối thiểu có thêm 2 huyện đạt chuẩn NTM. Cùng với đó là 75% số xã đạt chuẩn NTM, 25% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu. Và đặc biệt là không còn xã nào đạt dưới 12 tiêu chí.
Trong thời gian tới, Quảng Trị tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Kế Toại.
Phấn đấu có khoảng 55 – 60% số thôn bản khó khăn thuộc các xã khó khăn, biên giới thuộc đề án 1385 đạt chuẩn NTM. Và trong giai đoạn xa hơn (2025 – 2030), sẽ phấn đấu có 85% các xã, thêm 1 huyện đạt chuẩn NTM.
Để đạt được những mục tiêu này, tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng NTM. Tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch nông thôn các cấp. Từ đó xây dựng kế hoạch triển khai cho từng năm và cả giai đoạn.
Tỉnh cũng sẽ ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn. Xác định phát triển chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” là nhiệm vụ trọng tâm, đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
"Với những xã đã đạt chuẩn, chúng tôi sẽ thường xuyên cho rà soát nhằm duy trì, nâng cao chất lượng xây dựng NTM. Đảm bảo các xã đạt chuẩn phải thực chất, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo. Không chạy theo thành tích, không nợ đọng xây dựng cơ bản. Làm sao để xã NTM thực sự trở thành những miền quê thanh bình, đáng sống!', ông Hà Sỹ Đồng.