Qua tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VIII về “thực hiện nếp sống văn minh trong cưới, việc tang, lễ hội” trên cơ sở những kết quả đạt được và yêu cầu cần đẩy mạnh việc xây dựng đời sống văn hóa trong các tầng lớp nhân dân, tạo động lực phát triển trong giai đoạn mới.
Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng, Đảng bộ các cấp và Nhân dân trên địa bàn đã có những việc làm cụ thể, thiết thực đề ra chủ trương phải tập trung khắc phục những yếu kém, khuyết điểm nhất là những vấn đề nảy sinh, nổi cộm gây bức xúc trong dư luận xã hội và tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ trên địa bàn. Đặc biệt, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ... gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Thực tiễn của chương trình lồng ghép “nông thôn mới - nếp sống văn minh ở cơ sở” đã góp phần làm chuyển biến nhận thức của đại bộ phận Nhân dân trên địa bàn. Cụ thể, trong việc cưới, các thủ tục được đơn giản hóa gọn nhẹ, việc đăng ký kết hôn phần lớn thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; các nghi lễ trong việc cưới thực hiện trang nghiêm và giữ được thuần phong mỹ tục. Các lễ cưới chủ yếu được tổ chức tại nhà hàng hoặc hội trường Trung tâm Văn hóa, nhà văn hóa và gia đình; nhiều gia đình tổ chức không mời thuốc lá; một số gia đình bắt đầu áp dụng hình thức báo hỷ hoặc chỉ đãi tiệc ngọt...
Trong việc tang, đã có sự gắn kết giữa các quy định của pháp luật với quy ước, hương ước khu dân cư và công tác tuyên truyền ở địa phương, nên việc thực hiện tang chay trong những năm gần đây có nhiều chuyển biến. Chính quyền các cấp đã và đang thực hiện quy hoạch đất các nghĩa trang, nghĩa địa và vận động nhân dân chôn cất người mất đúng nơi quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường. Tình trạng chôn cất người chết trên đất sản xuất giảm đáng kể, không còn tình trạng chôn cất trong khuôn viên gia đình. Khi có người qua đời, các gia đình đều khai tử, báo cáo với chính quyền địa phương và khu dân cư để nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng như: “Hội người cao tuổi”, “Hội đồng hương”, “Hội hiếu”...Các địa phương khi có người mất đều thành lập Ban tang lễ cùng với gia đình lo tang ma chu đáo thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc, qua đó thắt chặt tình làng nghĩa xóm trong Nhân dân. Tình trạng ăn uống linh đình, các hủ tục lạc hậu trong việc tang không còn xuất hiện.
Về mừng thọ, đây là truyền thống tốt đẹp vốn có của dân tộc ta. Hàng năm, vào dịp đầu xuân, khi muôn hoa đua nở khoe sắc cũng là thời điểm mỗi gia đình đều hướng về ông bà, tổ tiên và đặc biệt là tổ chức mừng thọ cho ông bà, cha mẹ. Đã trở thành truyền thống, cứ vào dịp này UBND các xã, phường phối hợp với Hội người cao tuổi, MTTQ các cấp tổ chức mừng thọ tập thể tại Hội trường UBND xã, phường. Đây là việc làm hết sức ý nghĩa, đặc biệt là nêu cao tinh thần đoàn kết, tấm lòng tri ân những bậc sinh thành, những vị lão thành cách mạng. Mặc dù các buổi lễ diễn ra đơn giản, gọn nhẹ nhưng tạo ra không khí đầm ấm, đoàn kết. Đây chính là lúc con cháu bày tỏ lòng thành kính, biết ơn và cũng là để nhìn lại chính mình đã làm những gì trong năm qua; những lời dặn dò, động viên của ông bà, cha mẹ là những lời quý báu từ trãi nghiệm thực tế, hướng cho con cháu điều thiện, đúng như tôn chỉ “sống vui, sống khỏe, sống có ích”. Cùng với đó, các lễ hội, tiệc làng, đám rước...được tổ chức, khôi phục những nét văn hóa truyền thống, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa và phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Tuy nhiên, công tác quản lý việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ trên thực tế cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc. Việc triển khai thực hiện ở một số địa phương, đơn vị còn mang tính hình thức; thiếu biện pháp thiết thực; thiếu kiểm tra, đôn đốc và chưa quyết liệt trong phê bình, chưa có chế tài đối với những cá nhân, đơn vị vi phạm các quy định của pháp luật, quy ước, hương ước của đại phương. Việc bình xét các danh hiệu gia đình văn hóa, khu dân cư, cơ quan văn hóa...chưa áp dụng triệt để các tiêu chí về “thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ” đã được đề ra. Công tác tuyên truyền, vận động chưa được các cấp, các ngành, các đoàn thể tiến hành thường xuyên nên chưa thực sự đi vào chiều sâu, lan tỏa đến mọi tầng lớp nhân dân.
Kinh nghiệm từ thực tiễn công tác “thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ” ở địa phương có hiệu quả, trước hết tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể trong việc tiếp tục tổ chức học tập, quán triệt nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên về ý nghĩa của việc “thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ” gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của nông thôn trong thời kỳ mới.
Mặt khác, phải gắn kết đồng bộ giữa “thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ” với việc “tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, các phong trào thi đua yêu nước, phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Đồng thời trong xây dựng nông thôn mới các cấp chính quyền đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ; đưa thành tiêu chí bắt buộc vào đánh giá bình xét các danh hiệu thi đua của hộ dân, từng đảng viên, cán bộ, đoàn viên, hội viên...hàng năm. Các cơ quan, ban, ngành chức năng cần tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội; thường xuyên kiểm tra việc tổ chức cưới, tang, lễ hội ở các địa phương, hộ gia đình, khu dân cư; kịp thời chấn chỉnh hành vi vi phạm pháp luật, những việc làm sai trái, những hiện tượng tiêu cực phát sinh. Nguyễn Quốc Thanh