Ngày 21/12, tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai phối hợp Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Hội nghị tập huấn Nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp làm công tác phòng chống thiên tai và xây dựng nông thôn mới.
|
Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: NH) |
Theo thông tin tại Hội nghị, sau hơn 9 năm triển khai thực hiện, xây dựng nông thôn mới đã thực sự trở thành một phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp, được cả hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân cả nước nhiệt tình hưởng ứng, tích cực tham gia.
Tính đến nay, cả nước có 4.665 xã (52,4%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và 93 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, cả nước có 7 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (gồm Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương và Cần Thơ).
Tuy vậy, trước thực tế, tình hình thiên tai tại Việt Nam ngày càng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, khó lường và không theo quy luật; nhiều xã vừa được công nhận nông thôn mới, chỉ sau một trận lũ, cơn bão, nhiều thành quả đã bị mai một, thậm chí bị xóa sổ. Do vậy, việc thực hiện lồng ghép yếu tố an toàn trước thiên tai, trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới, gắn với mọi mặt phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết và cấp bách, nhằm đảm bảo tính bền vững cũng như đảm bảo thành quả của các địa phương trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe giới thiệu về tổng quan về xây dựng nông thôn mới và định hướng xây dựng nông thôn mới bền vững, chủ động phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2025. Đồng thời, giới thiệu những nội dung cơ bản của công tác phòng chống thiên tai trong xây dựng nông thôn mới; nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư và chính quyền địa phương các cấp về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Hướng dẫn các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp huyện trong việc chỉ đạo duy trì hoạt động của đội xung kích phòng chống thiên tai; hướng dẫn xây dựng kế hoạch và phương án phòng chống thiên tai cấp xã; vai trò, nhiệm vụ cụ thể của lực lương xung kích trong phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai,…
Với những hướng dẫn, trao đổi cụ thể, sát thực, trực tiếp vào những vấn đề còn khó khăn vướng mắc trong triển khai thực hiện công tác phòng chống thiên tai ở cơ sở, Hội nghị là cơ hội để cán bộ các địa phương, nhất là cấp huyện, cấp xã thảo luận, chia sẻ những cách làm hay, những bài học kinh nghiệm, từ đó vận dụng trong công việc, đáp ứng yêu cầu phòng chống thiên tai và xây dựng nông thôn mới an toàn trước thiên tai trong giai đoạn tới./.